Không để doanh nghiệp “lòng vòng” tìm CE hay FDA

NGUYỄN VIỆT thực hiện 27/05/2020 11:00

Sự “bùng nổ” sản xuất khẩu trang và các thiết bị phòng hộ cá nhân đã giúp một số doanh nghiệp dệt may đa dạng thêm sản phẩm.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được vào thị trường EU hay Hoa Kỳ đòi hỏi doanh nghiệp phải có những tiêu chuẩn nhất định như CE hay FDA.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). (Ảnh: Nguyễn Việt)

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ bên lề Hội thảo hướng dẫn và giải đáp quy định về CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường) và FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ) vừa tổ chức mới đây.

- Ông đánh giá thế nào về những khó khăn của ngành dệt may Việt Nam trong đại dịch COVID-19?

Khi dịch COVID-19 còn ở Trung Quốc thì doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là nguồn cung vải cho các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, cho đến thời điểm từ tháng 3 đến tháng 4, khi dịch đã lan sang châu Âu và Hoa Kỳ, đây là những thị trường tiêu thụ chính của dệt may Việt Nam. Với sự lan nhanh của dịch bệnh và các giải pháp phòng chống dịch tại các thị trường đó, đã khiến nhu cầu mua sắm đã bị sụt giảm mạnh. Chính vì vậy lượng hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường này đã bị tác động rất nhiều.

- Ông có thể chia sẻ những số liệu cụ thể?

Qua số liệu 5 tháng đầu năm 2020 đã cho thấy, số lượng xuất khẩu của ngành dệt may đã bị giảm từ 12 -14% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Từ số liệu này, Bộ Công Thương có khuyến cáo như thế nào đến các doanh nghiệp đang làm hàng dệt may xuất khẩu?

Dịch COVID-19 đến một cách “đột ngột”, gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay các giải pháp mà Bộ Công Thương cũng như các hiệp hội đang phối hợp, đó là chuẩn bị cho các doanh nghiệp sau khi thị trường các nước mở cửa trở lại thì có thể tranh thủ xuất khẩu được nhiều nhất, với những sản phẩm tốt nhất.

Một lợi thế của Việt Nam hiện nay là đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, do đó những điều kiện để khôi phục lại sản xuất sẽ rất thuận lợi. Các thị trường như châu Âu hay Hoa Kỳ cũng đang từng bước mở cửa trở lại. Đây là dấu hiệu tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian vừa qua chúng ta đã chứng kiến sự “bùng nổ” của việc sản xuất các mặt hàng khẩu trang và các thiết bị phòng hộ cá nhân. Đây là mặt hàng đã giúp một số doanh nghiệp dệt may có thêm sản phẩm đa dạng, góp phần tăng thêm doanh thu, đồng thời tự khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được mặt hàng khẩu trang này cũng đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn nhất định, như thị trường EU là tiêu chuẩn CE, Hoa Kỳ là tiêu chuẩn FDA. Các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải nắm vững được những quy định này, khi đó hàng hóa của chúng ta mới tiêu thụ dễ dàng và thuận lợi.

- Có ý kiến cho rằng, những tiêu chuẩn như CE hay FDA áp dụng đối với mặt hàng khẩu trang y tế của Việt Nam bây giờ mới được chú ý. Đồng thời, các phòng Lab cũng đang bị quá tải do số lượng doanh nghiệp yêu cầu quá lớn. Vậy, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thành được các tiêu chí này?

Nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đánh giá và thử nghiệm các sản phẩm như khẩu trang y tế hiện nay rất lớn. Trong khi đó, các tổ chức có năng lực đánh giá lại có số lượng hạn chế. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành tiếp xúc và làm việc với các tổ chức chứng nhận này.

Qua đó thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua quy trình tư vấn, cung cấp thông tin, giải đáp… để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được chính xác thông tin, tránh việc phải đi “lòng vòng”, thậm chí đến những địa chỉ tư vấn sai, hoặc có những loại giấy tờ sau này không được chấp nhận.

- Bộ Công Thương sẽ có sự phối hợp như thế nào với Bộ Khoa học Công nghệ nhằm tăng năng lực của các phòng Lab, giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn, thưa ông?

Bộ Công Thương đã có trao đổi với Bộ Khoa học Công nghệ cùng phối hợp xây dựng các dịch vụ về đánh giá, thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận cho các sản phẩm nói chung, trong đó có sản phẩm dệt may. Tại thời điểm này, mặc dù có những sản phẩm đơn giản như khẩu trang y tế, nhưng cũng đòi hỏi tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải có nhận thức đúng đắn về việc đáp ứng được hàng hóa thực phẩm, vượt qua được hàng rào kỹ thuật khi thâm nhập vào thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính như EU hay Hoa Kỳ.

- Xin cảm ơn ông!

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Trưởng đại diện văn phòng Công ty TNHH BSI Việt Nam tại Hà Nội (BSI thuộc Viện tiêu chuẩn của Anh): 

"Tiêu chuẩn đầu tiên là nguyên vật liệu đầu vào"

Đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trước đây thường sản xuất quần áo hay đồ dệt may. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế, bảo hộ lao động… Khi chuyển sang mặt hàng mới, các doanh nghiệp thường gặp phải vấn đề khi muốn xuất khẩu sang EU hay Hoa Kỳ, là phải đáp ứng được yêu cầu, quy định tại EU và Hoa Kỳ.

Tại EU, khi doanh nghiệp xuất khẩu vào đây đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn sản phẩm (CE), mà không phải tiêu chuẩn chứng nhận hệ thống. Đối với thị trường Hoa Kỳ, sẽ phải tuân thủ và đạt được FDA. Như chúng ta đã biết, đây là 2 thị trường đòi hỏi về yêu cầu kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm rất cao. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là khi gửi sản phẩm test sang hai thị trường này để lấy chứng nhận, thì thường có nhiều sản phẩm không đạt yêu cầu.

Chúng tôi nhận thấy, việc các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới làm sản phẩm để đạt được tiêu chuẩn CE là điều rất tốt. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đầu tiên phải đáp ứng được nguyên vật liệu đầu vào. Vì nguyên vật liệu đầu vào không đảm bảo, thì sản phẩm khi đưa đi test cũng sẽ có rủi ro.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chọn mặt hàng có tiềm năng hay lợi thế. Bởi nếu sản xuất khẩu trang vải, thì các yêu cầu với mặt hàng này rất khó. Do đó, doanh nghiệp có thể chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế hoặc phòng độc sẽ phù hợp hơn.

Bà Phạm Thị Hà Thương – Giám đốc Bán hàng Công ty THIMPORT EXPORT:

"Luôn nhấn mạnh vào chất lượng"

Chúng tôi là công ty mới sản xuất khẩu trang y tế. Nếu xuất khẩu theo chính ngạch thì công ty chưa làm, chúng tôi đang xuất khẩu theo cách thức hàng mẫu, và cũng đã gửi đi rất nhiều nước trên thế giới. Ví dụ, Mỹ, Pháp, Đức, Đan Mạch… Công ty bắt đầu sản xuất khẩu trang từ cuối năm 2019, sản xuất hàng loạt từ tháng 4/2020.

TH đã gửi bản mẫu cho Công ty Giám định SGS Việt Nam và đang đợi kết quả của SGS để khẳng định chất lượng. Với SGS, công ty chúng tôi đã có sự hợp tác từ trước, khẩu trang là mặt hàng công ty TH muốn tiếp tục hợp tác với SGS. Vì tổ chức này làm việc nhanh, chất lượng. Thời gian test khoảng từ 20 đến 35 ngày, với chi phí rất hợp lý.

Chúng tôi luôn nhấn mạnh vào chất lượng sản phẩm và muốn kinh doanh lâu dài, do đó công ty rất tự tin gửi mẫu test tại SGS. Hiện tại các đơn hàng đã có, họ là những khách hàng lớn tại thị trường Hoa Kỳ và EU. Các đối tác của TH tại 2 thị trường này đang chờ bản test từ SGS, nếu đáp ứng yêu cầu sẽ tiến hành xuất hàng

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu cá tra đón đầu xu hướng mới

    Xuất khẩu cá tra đón đầu xu hướng mới

    00:00, 22/05/2020

  • Bắc Giang: Kịch bản nào cho việc xuất khẩu vải thiều?

    Bắc Giang: Kịch bản nào cho việc xuất khẩu vải thiều?

    20:49, 19/05/2020

  • Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm

    Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm

    11:00, 15/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không để doanh nghiệp “lòng vòng” tìm CE hay FDA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO