Dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, nhà đầu tư (NĐT) không nên quá mạo hiểm.
>>>VN-Index sẽ theo kịch bản nào?
VN-Index đã vượt qua mốc 1.300 điểm sau những phút giao dịch bùng nổ cuối phiên giao dịch ngày 12/6. Đây là lần đầu tiên chỉ số này chạm mốc điểm trên kể từ năm 2022 sau một thời gian dài đi quanh vùng 1.280-1.290 điểm.
Cú bứt phá nói trên có thể sẽ mở ra cơ hội cho những cổ phiếu chưa tăng giá, hoặc đi ngang trong thời gian dài. NĐT chắc chắn sẽ mạo hiểm và gia tăng kỳ vọng vào những cổ phiếu loại này sau khi chứng kiến nhiều cổ phiếu liên tục lập đỉnh như ACV, FPT… Trong đó, cổ phiếu FPT tiếp tục tăng mạnh 4,35% ngay phiên chốt chia cổ tức và lập đỉnh tại mốc 132.000 đồng/cổ phiếu.
Thậm chí, khi VN-Index còn đang loanh quanh chưa bứt phá thì nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn này như VCS, DPR, POW... Vì thế, NĐT nên quan tâm đến những cổ phiếu còn tiềm năng tăng giá như VNM, PNJ, MPC, TLG...
TTCK đôi khi khó lý giải bởi nó bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố mà thời điểm này là tính đầu cơ và tâm lý đang chi phối thị trường. TTCK cũng đang là kênh kiếm tiền có lẽ tốt nhất mà nhiều người có thể tiếp cận. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và việc mở rộng hoạt động kinh doanh chưa có nhiều tiến triển.
>>>Ưu tiên tỷ giá hay lãi suất?
Do đó, thị trường vẫn có thể mở ra những cơ hội, nhưng việc thận trọng cũng là điều nên làm. Bài học năm 2022 chưa quá xa, và nhìn vào thị trường thế giới cho thấy thị trường có thể giảm mạnh chỉ vì 1 lý do bất ngờ. Riêng với TTCK Việt Nam, 1 tuần giảm có thể tương đương với vài tháng tăng giá nên rủi ro là không hề nhỏ trong bối cảnh giá rất nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh trong gần 2 năm qua.
Hiện nay, vẫn còn quá nhiều yếu tố mà NĐT không nên mạo hiểm quá mức. Thứ nhất là việc bán ròng của khối ngoại. Họ tiếp tục bán ròng và đẩy tổng giá trị bán ròng vượt 38.000 tỷ đồng, trong đó có phiên giá trị bán ròng rất cao lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Chúng ta vẫn chưa thể hiểu vì sao khối ngoại bán mạnh như vậy, cho dù chúng ta đã đưa ra nhiều lý do như tỷ giá, yếu tố chính trị.
Thậm chí, một quỹ ETF ngoại quy mô hơn 400 triệu USD đầu tư mạnh vào Việt Nam, vừa thông báo dừng hoạt động. Đây là 1 quỹ thuộc BlackRock, một tổ chức đầu tư lớn nhất thế giới. Blackrock đã thông báo thanh lý iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sau 12 năm hoạt động. Đây sẽ lại càng là vấn đề lớn trong bối cảnh Việt Nam đang rất nỗ lực nâng hạng thị trường.
Tính sơ bộ đến hiện tại, khối ngoại bán ròng hơn 38.000 tỷ đồng, các tổ chức và khối tự doanh là 6.000 tỷ đồng và được NĐT cá nhân mua lại với tổng giá trị 43.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh lãi suất đã tăng lên như hiện nay, thật khó để tin rằng toàn bộ số tiền trên là tiền thật nộp vào mà chắc chắn sẽ có đòn bẩy. Chúng ta đều biết tổng giá trị tiền margin sau quý I/2024 đã tăng lên mức cao và gần chạm đỉnh năm 2021 và có thể sẽ lập kỷ lục mới khi số liệu báo cáo quý II/2024 xuất hiện.
Thứ hai là tính đầu cơ đang tăng lên mức rất cao, điều này thể hiện rõ ở việc chỉ cần có lý do là tiền đổ vào cho dù doanh nghiệp đó chưa có bất cứ thay đổi hay hưởng lợi nào. Dòng tiền đầu cơ sẵn sàng đổ tiền vào mua cổ phiếu, thậm chí giá cổ phiếu tăng đỉnh của đỉnh vẫn thu hút dòng tiền. Chính điều này khiến giá của nhiều cổ phiếu vượt trội so với giá trị thực, và đôi khi cứ “liều” lại đem đến lợi nhuận. Những NĐT do dự, hoặc thận trọng dường như lại không thể kiếm tiền trong giai đoạn vừa qua.
Thứ ba, dù VN-Index vượt qua mốc 1.300 điểm nhưng vẫn chưa cho thấy sức mạnh thực sự của thị trường bởi tính tác động bất ngờ cộng với yếu tố cổ phiếu vốn hóa lớn. Vì thế, nhiều NĐT hẳn vẫn nghi ngại mô hình 2 đỉnh và thận trọng, thay vì cố gắng mua đuổi.
Thứ tư, nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô, hẳn những NĐT giá trị hay những NĐT thận trọng có lý do để thận trọng. Tăng trưởng kinh tế đang được kỳ vọng duy trì mức cao hơn 6% trong quý II/2024 nhưng tăng trưởng tín dụng hết tháng 5 mới chỉ đạt 2,41%. Đây là mức tăng trưởng thấp và là dấu hỏi với đà tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt khi lãi suất huy động đang gia tăng. Điều này chắc chẵn sẽ tác động đến doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế.
Trong khi đó, chúng ta đang kỳ vọng vào việc đơn hàng gia tăng nhưng chỉ số PMI tháng 5 chỉ đạt 50,3%, không cải thiện so với tháng trước đó và thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong ASEAN. Một vấn đề nữa rất đáng quan tâm là chỉ số CPI đã liên tục tăng kể từ đầu năm, trong đó CPI tháng 5 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng khi giá thịt lợn tăng cao. Ngoài ra, giá dầu trong nước tăng theo xu hướng giá dầu quốc tế và tỷ giá vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến giá thành hàng nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán: Cơ hội nhiều hơn thách thức
15:26, 10/06/2024
Động lực chính cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024
13:04, 12/06/2024
Giải pháp tăng hiệu quả quản lý hoạt động môi giới chứng khoán
13:00, 26/05/2024
Ba “sức ép” thị trường chứng khoán
02:07, 10/05/2024
Chứng khoán sẽ đi theo kịch bản nào?
02:30, 26/05/2024