Những ảnh hưởng sau cơn bão Yagi đang là lời cảnh tỉnh cho những ấp ủ về cao ốc ven sông Hồng.
Khác với TP HCM, tại Hà Nội dọc bờ sông Hồng lại rất hiếm cao ốc mọc lên. Cao ốc thường được xây dựng bên trong đê, gần như không có cao ốc nào xây dựng ngoài đê.
Cách đây 2 năm, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt với 3 phân đoạn chính là từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long (đoạn R1-R2), phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch và các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển. Từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì (đoạn R3-R4) phát triển khu vực đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và các không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực hồ Tây - Cổ Loa. Từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở (đoạn R5) sẽ là khu bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển, làng nghề Bát Tràng.
Bản đồ án lịch sử đã mang đến những kì vọng về một thành phố ven sông sớm được hình thành. Thế nhưng, sau khi cơn bão Yagi đi qua, những trăn trở về bài toán hành lang thoát lũ, kịch bản ứng phó với biến đổi khi hậu lại một lần nữa dấy lên.
Theo KTS Sơn Đặng - Thạc sĩ kiến trúc tại Đại học Cornell, về mặt địa chất học mà nói, sông Hồng chảy dọc theo 1 đới đứt gãy địa chất lớn, vốn chia miền Bắc thành 2 nửa. Đới đứt gãy sâu sông Hồng vẫn đang hoạt động, tiềm tàng nhiều khả năng động đất. Nên phải tính toán và có kịch bản khi xảy ra sự cố với các đập thủy điện lớn thượng nguồn như Hoà Bình chẳng hạn, khi các quả “bom nước” đổ về Thủ đô.
Theo vị kiến trúc sư, với sức nước khổng lồ từ các dãy núi lớn đổ về, sông Hồng cần không gian phù hợp để phát triển theo quy luật tự nhiên. Việc kẹp đê 2 bên sông là một tiến trình lịch sử, để chế ngự con sông và bảo vệ thành phố. Quy hoạch cần tầm nhìn trăm năm, với các kịch bản thời tiết biến đổi cực đoan, mực nước biển dâng cao, địa chất tiếp tục biến động...và nhiều hiểm hoạ khác.
“Muốn phát triển Hà Nội thành đô thị văn minh đầy cây xanh, hãy thôi nghĩ đến chuyện xây cao ốc vào bãi sông, các lợi ích bất động sản mà hãy biến các bãi bồi lớn thành các siêu công viên sinh thái đất ngập nước với hạ tầng mềm, thêm đường dạo bộ, đạp xe, và các câu lạc bộ thể dục thể thao. Tạo ra giao thông thủy, bằng chính sách và quy hoạch” - Ths KTS Sơn Đặng cho hay.
Đồng quan điểm, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng hàng chục năm qua, quy hoạch khu vực ven sông Hồng và Bãi Giữa đã được quan tâm và có nhiều nghiên cứu của cả trong và ngoài nước. Ngay từ sau hòa bình lập lại (1954) đã bước đầu có nghiên cứu khai thác quỹ đất ven sông để xây dựng các mô hình nhóm nhà ở, tiểu khu nhà ở theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Năm 1992 đã lập quy hoạch ven sông để đảm bảo an toàn dân cư và khu vực Bãi Giữa.
Để có định hướng phát triển đảm bảo an toàn, Viện Nghiên cứu Thủy Lợi (1997 – 2002) đã xây dựng quy hoạch thoát lũ, chỉnh trị sông Hồng. Năm 1994, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố đã lập quy hoạch xây dựng hai bên sông Hồng. Bộ Giao thông Vận tải (1997 – 1998) đã nghiên cứu giao thông thủy sông Hồng. Trong thời gian từ 1992 đến 2008 (mở rộng Hà Nội) đã có gần 20 dự án của cả trong và ngoài nước nghiên cứu về đầu tư xây dựng Bãi Giữa, ven sông Hồng.
Dù vậy, Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt hiện chỉ giới hạn ở khoảng 40km qua trung tâm Hà Nội mà dân số dự kiến tăng từ 210.000 lên 300.000 người vào năm 2030. Ông Nghiêm cho rằng việc này đòi hỏi cần có những quy hoạch chi tiết hơn, nhằm tránh tái diễn những rủi ro đã thấy trong đợt bão vừa qua.
TS KTS Đào Ngọc Nghiêm lưu ý, cần ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức không gian, vật liệu xây dựng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật để thích ứng với biến đổi mực nước. Bài học từ các dự án chưa được triển khai là chưa hài hòa với hành lang thoát lũ và tính bền vững trong xây dựng. Bài học từ nước ngoài cho thấy đây là vấn đề tác động đến phát triển bền vững.
Đồng thời phải lựa chọn mô hình liên kết thích hợp giữa dự án bãi sông với khu vực qua hệ thống giao thông thủy, trên cao hoặc kết nối từ các cầu qua sông. Đây không chỉ từ chủ định của dự án mà còn xem xét đến yêu cầu chung của cả trục không gian sông Hồng.