Nghiên cứu - Trao đổi

Không phù hợp đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm ở thời điểm hiện tại

Yến Nhung 20/02/2025 04:30

Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia đều cho rằng, việc đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm là không phù hợp với thực trạng nền kinh tế Việt Nam.

Một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây là Dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, UBND TP Cần Thơ đã có ý kiến góp ý, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế. Cụ thể, địa phương này đề xuất chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm có quy mô nhỏ và xem xét đánh thuế đối với các hộ gia đình có thu nhập cao. UBND TP Cần Thơ cho rằng việc này nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách, bởi theo quy định hiện hành, cá nhân nhận lãi tiền gửi từ các tổ chức tín dụng vẫn được miễn thuế.

Thực tế cho thấy, việc điều hành tỷ giá năm 2025 tiếp tục gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động - Ảnh: ITN
Một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây là Dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) - Ảnh: ITN

Đối với đề xuất này, TS Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đánh thuế lãi tiền gửi có thể phù hợp với các nước phát triển, nơi thị trường tài chính đã hoàn thiện và chính phủ khuyến khích dòng tiền chảy vào đầu tư, tiêu dùng thay vì tiết kiệm. Một số quốc gia cũng áp thuế nhưng chỉ đối với các khoản tiết kiệm trên một mức nhất định để định hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Tiền gửi tiết kiệm không chỉ là kênh tích lũy cá nhân mà còn là nguồn vốn để ngân hàng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa đủ hấp dẫn và an toàn để thay thế hoàn toàn kênh tiết kiệm.

Chính vì thế, nếu đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm, điều này có thể gây ra tác dụng ngược đó là dòng tiền sẽ không còn mặn mà tìm tới ngân hàng mà chảy vào vàng, bất động sản hoặc các kênh đầu cơ khác, gây mất cân đối thị trường tài chính. Chưa kể hiện rất nhiều khoản thu nhập của người dân đang thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời đang kiến nghị điều chỉnh.

“Chính sách này có thể khả thi trong tương lai khi hệ thống tài chính phát triển đồng bộ hơn, nhưng ở thời điểm hiện tại, cần có đánh giá cẩn trọng để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, TS Châu Đình Linh bày tỏ.

Bên cạnh các biện pháp từ Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh chiến lược tài chính để giảm rủi ro - Ảnh: ITN
Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia đều cho rằng, việc đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm là không phù hợp với thực trạng nền kinh tế Việt Nam - Ảnh: ITN

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho biết, vài năm trước, từng có ý kiến đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng, cụ thể là những khoản lãi lớn hoặc khoản tiền gửi tiết kiệm từ 1 tỉ đồng trở lên…

“Theo tôi, không nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Bởi, tiền gửi tiết kiệm là một trong những kênh huy động vốn chính của các ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có nguồn vốn cho vay ra thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng vẫn đóng vai trò trụ cột. Đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm có thể khiến nhiều người giảm gửi tiền vào ngân hàng mà có xu hướng nắm giữ USD hoặc vàng. Khi đó, dòng vốn sẽ bị động thay vì luân chuyển ra nền kinh tế nên cần tính toán, cân nhắc rất kỹ đề xuất đánh thuế này”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo ông Hiển, ở các nước, cùng với nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, có rất nhiều nguồn vốn khác để cung ứng tín dụng ra nền kinh tế như vốn từ bảo hiểm nhân thọ, các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ tương hỗ… Tại Việt Nam, các nguồn vốn này chưa phát triển nên dòng tiền nhàn rỗi của người dân phần lớn vẫn chọn gửi tiết kiệm. Với mặt bằng lãi suất huy động thấp, các tổ chức tín dụng huy động được vốn rẻ để cho vay với lãi suất hợp lý ra thị trường, kích thích tăng trưởng kinh tế. Thời điểm này và trong khoảng 5 năm nữa, cần tiếp tục khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm và không nên thu thuế lãi tiền gửi. Chưa kể, hiện rất nhiều khoản thu nhập của người dân đang thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời đang kiến nghị điều chỉnh.

Nhìn chung, đa số ý kiến chưa đồng tình với đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt trong bối cảnh mức chiết trừ gia cảnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu rất lâu vẫn chậm trễ sửa đổi thì các đề xuất đánh thuế khiến người nộp thuế cảm thấy bị vắt kiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không phù hợp đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm ở thời điểm hiện tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO