Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, chính sách thuế phải đảm bảo công bằng và hạn chế các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép làm mất tính trung lập của thuế.
Báo cáo về tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tình trạng chấp hành kỷ luật ngân sách nhà nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm.
Chính sách thuế đảm bảo công bằng
Theo Bộ trưởng Dũng, trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế còn xảy ra ở nhiều nơi, một phần trong số này đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện và truy thu. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật của cơ quan quản lý thu ngân sách chưa tốt và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người nộp thuế chưa cao.
Hiện nay, ngành thuế đang áp dụng cơ chế quản lý về thuế, từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Do đó, Bộ Tài chính đang hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế, đảm bảo chặt chẽ, có các tiêu chí phân nhóm phân loại rủi ro để có phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, một giải pháp quan trọng là ngành thuế phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về thu ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tiếp thu các ý kiến đóng góp, thuế GTGT sẽ giữ nguyên mức thuế phổ thông là 10%, không nâng lên 11 - 12% như dự thảo ban đầu. Cùng với đó, chính sách thuế sẽ kết cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế ở mức 0%, 5%, đảm bảo công bằng và hạn chế các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế.
Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.
Xóa nợ thuế không thể thu
Năm 2017, ngành Tài chính đã thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính và phạt vi phạm hành chính trên 55 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đã tăng thu ngân sách 19 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ là 1,8 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 37,6 nghìn tỷ đồng. Số thuế nợ đọng đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, số thuế nợ đọng giảm từ 81,97 nghìn tỷ đồng năm 2016, xuống còn 73,1 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2017, tương ứng giảm 10,8%, riêng số nợ thuế có khả năng thu hồi giảm từ 31,7 nghìn tỷ đồng năm 2016 xuống 26 nghìn tỷ đồng năm 2017, tương ứng giảm 18%, bằng khoảng 2,5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên trong số thuế nợ đọng còn lại, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến cuối năm 2017 là 31,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2016, chiếm 43% tổng nợ. Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể không còn tài sản để thu hồi... nhưng chưa được xóa. Vì chưa được xoá, nên theo quy định vẫn phải theo dõi và tính phạt chậm nộp 0,03%/ngày, nên số nợ này ngày càng tăng. Bên cạnh đó, còn có khoản tiền phạt và tiền chậm nộp là 15,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21,4% tổng số nợ cũng là những khoản thu khó đòi.
Hiện nay, các cơ quan đang tích cực rà soát, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để trình Quốc hội cho xoá số nợ thuế không có khả năng thu để đảm bảo phản ánh đúng thực chất số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thuế.