Đây là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong cuộc họp ngày 9/5 tại An Giang.
Theo bản tin tối 9/5 của Bộ Y tế, chỉ tính riêng ngày 9/5, Việt Nam đã ghi nhận thêm 87 ca mắc Covid-19. Trong đó, 10 người nhập cảnh. 77 trường hợp còn lại ghi nhận trong nước, gồm: Bắc Giang (26), Đà Nẵng (17), Bắc Ninh (15), Hà Nội (11), Hưng Yên (2), Hoà Bình (2), Thừa Thiên - Huế (2), Quảng Nam (1), Quảng Trị (1).
Tính đến 18h ngày 9/5, Việt Nam có tổng cộng 1.903 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 333 ca.
Thông tin được cập nhật hàng ngày tại Việt Nam cho thấy, dịch bệnh đã hiện hữu trên toàn quốc với những tính chất mới hơn, có đặc thù diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn khiến các cấp, các ngành và địa phương vừa qua phải căng mình chống dịch.
Đáng nói, thông tin giải trình tự gene ca ở Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình đều chủng Ấn Độ đã khiến nhiều người dân Việt Nam hoang mang, lo lắng bởi chủng Ấn Độ được đánh giá là khá nguy hiểm do tốc độ lây nhiễm và tử vong rất cao.
Theo nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã có sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy trình, quy định, đặc biệt chưa chuẩn bị đầy đủ cho chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đặc biệt, cán bộ, nhất là người đứng đầu còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng. Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ.
Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu “phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay”.
Cho rằng tình hình hiện nay rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh "nếu không chủ động, cảnh giác, không có các biện pháp ứng phó, không huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, thì chúng ta sẽ thất bại".
Trước tình trạng lây lan mạnh của dịch COVID-19, mới đây, Bộ Y tế đã có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” của Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục khẩn trương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 và Công văn số 3775/BYT-KCB ngày 6/5/2021 về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện.
Đối với các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng, xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc người bệnh dài ngày. Các địa phương chưa có ca bệnh trong cộng đồng thực hiện theo Công văn số 5268/BYT- KCB ngày 1/10/2021 của Bộ Y tế. Kinh phí xét nghiệm thực hiện từ nguồn kinh phí chống dịch của địa phương và theo hướng dẫn Công văn số 1126/BHXH- CSYT ngày 29/4/2021 của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhận định: Hiện Việt Nam phải đối mặt với nhiều “hình thái” lây lan khiến dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát cao. Nguyên nhân thấy rõ khi các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Thái Lan vốn kiểm soát được dịch nhưng nay lại bùng phát trở lại với số ca mắc cao.
Thậm chí, một số nước còn “vỡ trận” trong công tác điều trị khiến số người tử vong tăng nhanh. Hơn nữa, tại các nước này cũng xuất hiện các biến chủng SARS-CoV-2 của Anh và Ấn Độ lây lan rất nhanh. Các chủng này cũng được xác định đã có mặt tại Việt Nam.
PGS. TS. Trần Đắc Phu cho rằng, điểm khác biệt so với đợt dịch trước là sự xuất hiện của nhiều “hình thái” lây lan dịch cùng một lúc ở nước ta. Đó là nguy cơ bệnh dịch xâm nhập từ các nguồn nhập cảnh bất hợp pháp qua biên giới đường bộ, đường biển với các nước trong khu vực đang bùng phát dịch như đã nói.
Bên cạnh đó, trong nước xuất hiện cùng lúc các nguồn lây trong khu cách ly, lây trong bệnh viện, trong quán bar, karaoke hoặc lây trên máy bay với bằng chứng rất rõ ràng là hành khách ngồi hàng ghế trước và sau ca bệnh cũng bị lây (trong đợt dịch trước cũng phát hiện lây nhiễm trên máy bay nhưng không có bằng chứng rõ ràng). Hơn nữa, còn có thể có các mầm bệnh lẩn khuất trong cộng đồng...
"Dù với nguyên nhân gì thì việc phòng chống nhiễm khuẩn phải luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong bệnh viện. Việc kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế quy định với quy trình rất chi tiết từ phân luồng xét nghiệm, đến sàng lọc, xử trí với ca bệnh… được quán triệt từ đầu mùa dịch và chưa lúc nào hạ mức quan tâm, cảnh báo". - PGS. TS. Trần Đắc Phu nói.
Theo ông, qua các ổ dịch như Vĩnh Phúc, Hà Nam vừa qua, dễ dàng nhận thấy sự lây lan rất nhanh chóng từ 1 trường hợp nhiễm bệnh sang nhiều ca khác và ở nhiều tỉnh, thành phố chỉ trong thời gian rất ngắn.
Điều này minh chứng rõ cho khả năng lây nhanh, mạnh của các chủng virus mới này. Nếu ở đợt dịch trước, các ca bệnh được mệnh danh “siêu lây nhiễm” như bệnh nhân 17 ở Hà Nội hay bệnh nhân ở Bình Thuận cũng chỉ khu trú ở 1 địa phương thì dịch lần này có sự thay đổi. Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu truy vết, xét nghiệm thần tốc để phát hiện sớm ca bệnh, phát hiện ổ dịch sớm. Bên cạnh đó là các giải pháp được duy trì từ trước là phong tỏa, tập trung dập ổ dịch...
"Không làm vậy không thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19". - PGS. TS. Trần Đắc Phu nói.
Có thể bạn quan tâm
18:08, 09/05/2021
05:15, 09/05/2021
04:00, 09/05/2021
19:55, 08/05/2021
16:03, 08/05/2021
14:00, 08/05/2021
11:42, 08/05/2021
06:15, 08/05/2021
01:00, 08/05/2021
00:26, 08/05/2021