Không thể xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội?

An Chi 02/06/2019 10:47

Hàng trăm hồ sơ doanh nghiệp vi phạm trốn đóng BHXH, BHYT đã được chuyển đến cơ quan Công an đề nghị xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các hồ sơ đều đang bị “treo”

Một trong những nội dung quan trọng được Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) bổ sung mới là nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, gồm: tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Ðiều 213); tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Ðiều 214); tội gian lận BHYT (Ðiều 215) và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động (Ðiều 216). Tuy nhiên, sau hơn một năm có hiệu lực, việc triển khai các điều luật này trong thực tế còn nhiều vướng mắc.

Khó xử lý?

Ngày 17/4 vừa qua, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định chuyển hồ sơ 10 doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, có dấu hiệu vi phạm Điều 216 của Bộ luật Hình sự đến Công an Thành phố đề nghị xử lý hình sự theo quy định pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT cho người lao động. Đứng đầu trong danh sách này là Công ty CP Xây dựng công nghiệp Descon có địa chỉ tại Quận 1.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp nào để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội?

    Giải pháp nào để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội?

    02:15, 31/05/2019

  • Những vướng mắc trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

    Những vướng mắc trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

    15:50, 15/04/2019

  • Nhức nhối nợ đọng bảo hiểm xã hội

    Nhức nhối nợ đọng bảo hiểm xã hội

    11:00, 24/09/2018

  • Hà Nội: Còn 129 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội

    Hà Nội: Còn 129 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội

    16:44, 18/04/2017

Trước đó, ngày 19/11/2018, doanh nghiệp này đã bị xử phạt theo Quyết định số 5175/QĐ-XPVPHC của UBND thành phố Hồ Chí Minh do doanh nghiệp này chậm đóng BHXH hơn 9,6 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp đang có rất nhiều dự án lớn hiện đang triển khai tại nhiều tỉnh, thành như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, song số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục tăng.

BHXH TP.HCM thanh tra tại một DN nợ BHXH kéo dài (Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

BHXH TP.HCM thanh tra tại một DN nợ BHXH kéo dài (Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

Ngoài ra, trong danh sách các công ty còn nợ đọng BHXH, BHYT của BHXH thành phố Hồ Chí Minh còn có Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân, Công ty cổ phần BYS (quận Tân Bình); Công ty TNHH MTV Cơ khí Hùng Dũng (huyện Hóc Môn); Công ty TNHH sản xuất thương mại Đỉnh Phong (quận Bình Tân); Công ty TNHH đầu tư sản xuất Hà Nam (quận Bình Thạnh); Công ty TNHH xây dựng thương mại Lục Giác (quận Bình Thạnh); Công ty CP Sản xuất giày Thượng Thăng (huyện Bình Chánh); Công ty CP Đầy tư xây dựng kinh doanh nhà Thái Sơn và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Công trình Miền Đông.

BHXH TP.HCM nhận định, hành vi của các doanh nghiệp trên có dấu hiệu vi phạm Điều 216 Bộ luật Hình sự nên đã quyết định chuyển hồ sơ đề nghị Công an Thành phố xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Từ đầu năm 2018, nhận thấy dấu hiệu vi phạm rất rõ ràng, BHXH TP.HCM cũng đã đề nghị Công an xử lý hình sự đối với Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi). Tuy nhiên, đến nay, vụ việc vẫn rơi vào im lặng.

Tại tỉnh Tây Ninh, cuối năm 2018, ông Nguyễn Văn Huấn - Giám đốc BHXH tỉnh cũng đã ký văn bản và chuyển hồ sơ nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra hình sự đối với 6 doanh nghiệp trốn đóng BHXH nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị khởi tố.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2018, đã có 15 BHXH tỉnh, thành phố chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số 43 hồ sơ. Theo kết quả xử lý của cơ quan điều tra, đã có hai vụ việc bị khởi tố nhưng theo tội danh khác: "Giả mạo trong công tác" và "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" (Hưng Yên); một vụ việc chuyển sang xử lý vi phạm hành chính do cơ quan điều tra xác định chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (Quảng Bình); 10 vụ việc cơ quan điều tra không thụ lý với lý do hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực (Ðồng Nai, Ðồng Tháp); một trường hợp công ty đã tự nguyện trả hết nợ, sau khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra (Hà Tĩnh). Các trường hợp còn lại, cơ quan điều tra đang xem xét, nghiên cứu hồ sơ...

Ðó là những khó khăn trong thực tế xử lý các đơn vị nợ BHXH, BHYT hiện nay theo Bộ luật Hình sự mà nguyên nhân chính là do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao chưa ban hành được Nghị quyết hướng dẫn thực hiện các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Trong bối cảnh tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, mà còn tác động đến sự an toàn của hệ thống an sinh xã hội.

Cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn

Tại phiên họp tháng 5 vừa qua, với sự tham gia của một số bộ, ngành, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã họp bàn về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thực hiện các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Trước đó, ngày 25/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội nghị khảo sát tình hình thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Tại hội nghị này, Tòa án Nhân dân Tối cao đã giới thiệu và tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn thực hiện các điều quy định về tội danh liên quan đến gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN…

Theo ông Trần Văn Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học – Tòa án Nhân dân Tối cao, việc xử lý hình sự doanh nghiệp gian lận, trốn đóng BHXH là vấn đề còn rất mới và nhạy cảm. Chính vì vậy, trước khi ban hành Nghị quyết hướng dẫn, Tòa án Nhân dân Tối cao đã và sẽ thực hiện 4 hội nghị tọa đàm tại Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng và TP.HCM nhằm tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Điều đó có nghĩa, trong thời gian chờ Nghị quyết, nhiều người lao động vẫn phải tự gánh chịu hậu quả mà chủ doanh nghiệp gây ra cho mình.

Ông Nguyễn Trọng Nam - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (BHXH TP.HCM) cho biết, qua tập hợp, thống kê sơ bộ tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM từ năm 2018 đến nay có tới 139 doanh nghiệp sai phạm. Đáng nói, những doanh nghiệp này không những tiếp tục chây ỳ đóng BHXH, BHYT cho người lao động mà thậm chí còn không chịu thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (TP.HCM) nhận định, dù cơ quan BHXH phát hiện, có đầy đủ hồ sơ, tài liệu về vi phạm của doanh nghiệp thì cơ quan Công an cũng chưa thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Lý do là đơn vị này buộc phải dựa vào các căn cứ pháp lý được hướng dẫn, phân tích tại Nghị quyết do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành.

Theo Luật sư Lễ, Bộ luật Hình sự là một trong những luật rất quan trọng, có tác dụng khắc chế, răn đe các loại tội phạm nguy hiểm. Chính vì vậy, khi luật được ban hành, cần phải sớm đưa vào thực tiễn cuộc sống. Nếu chậm ngày nào sẽ gây nên bất ổn xã hội không đáng có ngày đó và những cơ quan chậm trễ sẽ phải chịu trách nhiệm với vấn đề này. Đáng nói, nó còn liên quan đến các trường hợp hồi tố do pháp luật hình sự không có hiệu lực hồi tố. “Chỉ khi có Nghị quyết hướng dẫn của TAND Tối cao, thì mới chính thức áp dụng hình sự với các sai phạm. Các trường hợp trước đó mà cơ quan BHXH đề xuất sẽ không được xem xét dù vi phạm rất rõ, vì nguyên tắc hồi tố”- Luật sư Lễ nói.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, BHXH, BHYT là những quyền lợi rất thiết thực, quan trọng đối với người lao động. Do đó, các quy định cũng như chế tài liên quan nhằm bảo vệ các quyền lợi này nên sớm được ưu tiên ban hành để không chỉ đảm bảo sự an tâm, tin tưởng cho người lao động mà còn góp phần ổn định xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không thể xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO