Khu, cụm công nghiệp ĐBSCL “vỡ trận” (Kỳ 1): Thừa khu công nghiệp, thiếu việc làm

Huỳnh Khởi 20/03/2019 01:14

Vì sao khu vực Đồng bằng sông Cưu Long (ĐBSCL) được quy hoạch hàng trăm khu, cụm công nghiệp nhưng lao động ở khu vực này vẫn thiếu việc làm đành phải “tha phương cầu thực”.

Mỗi độ xuân về nhìn dòng người rồng rắn chen chúc về quê ăn Tết rồi lại nhích từng tất để trở lại Bình Dương, Đồng Nai làm việc sau Tết - bất cứ ai là người Miền Tây cũng không khỏi chạnh lòng.

br class=

Khu công nghiệp –đô thị Bình Minh hoàn thiện hạ tầng nhưng vẫn vắng nhà đầu tư.

Khu công nghiệp “nuôi bò”

Tỉnh An Giang có gần 100 km đường biên giới giáp với 2 tỉnh Cần-Đan và Tà-Keo (Campuchia). Khoảng cách từ An Giang đến thủ đô Phnom penh-Campuchia chỉ hơn 100km, thuận lợi cả đường bộ và đường thủy nên được xem là cửa ngõ giao thương với các nước Asean…

Từ những lợi thế đó từ năm 2001, An Giang đã qui hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu (KTCK): Tịnh Biên, Vĩnh Sương và Khánh Bình có tổng diện tích tự nhiên hơn 30.700 ha. Trong đó có hơn 300ha đất công nghiệp.

  Khu công nghiệp tại nhiều địa phương “nằm treo”. Trong khi, người lao động phải “tha phương cầu thực” tìm việc làm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, đến nay, toàn tỉnh có 7 KCN, trong đó KCN Bình Long, KCN Bình Hòa đang hoạt động, KCN Xuân Tô đã hoàn chỉnh hạ tầng, KCN Bình Hòa mở rộng đang lập phương án bồi thường và 3 KCN khác đang mời gọi đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 2 KCN là Bình Hòa (93ha), Bình Long (23ha) đã cơ bản lấp đầy còn lại các KCN khác vẫn “phơi mình” chờ nhà đầu tư. Đáng quan tâm là có những KCN mặc dù đã hoàn thiện hạ tầng nhưng vẫn ế khách, điển hình như KCN Xuân Tô đã hoàn thiện hạ tầng hàng chục năm nay nhưng chỉ mới có 5 dự án đăng ký đầu tư, đất đai hoang phế rất lãng phí.

Kiên Giang- một địa phương giáp ranh của tỉnh An Giang cũng không khấm khá hơn khi có 5 KCN nằm trong quy hoạch với tổng diện tích đất là 763 ha. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, địa phương này chỉ mới thu hút được 27 dự án đăng ký đầu tư vào 2 KCN là Thạnh Lộc và Thuận Yên.

Tỉnh Cà Mau quy hoạch 4 KCN, với diện tích hàng ngàn ha nhưng đến nay chỉ thu hút được hơn 30 dự án đăng ký đầu tư. Ngay như TP.Cần Thơ-Trung tâm động lực của vùng thì cũng chỉ mới có 3/8 KCN cơ bản được lấp đầy.

Nông dân tiếc nuối

Chú Hai Thanh nhà gần cầu Cái Trâm, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng than vãn: “nhiều năm nay hàng trăm hộ dân ở quanh đây đã phải sống trong tâm thế “ăn đậu ở nhờ” trên đất cụm công nghiệp vì nhà nước đã áp giá đền bù gần 10 năm rồi. Khi đó mỗi công đất ruộng, vườn chỉ được đền bù vài chục triệu đồng, mua đất lại không đủ, bây giờ xài hết tiền rồi, mai mốt bị đuổi không biết chổ đâu mà ở”.

Đồng cảnh ngộ đó, bà Nguyễn Thị Hoa nhà ở gần KCN Thạnh Lộc (xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, Kiên Giang), chua chát nói: Gia đình tôi có hơn 6 công đất bị thu hồi làm KCN. Sau khi nhận đền bù, gia đình tôi phải sang mua lại đất cách đó vài cây số để tiếp tục sống với nghề trồng lúa. Trong khi 10 năm nay, KCN này vẫn bỏ hoang phế, thấy quá tiếc”…

Theo số liệu thống kê, nếu không tính các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch bổ sung trong 2 năm gần đây thì khu vực ĐBSCL có 74 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 24.000 ha và 214 cụm công nghiệp, với diện tích gần 20.000 ha, nhưng hiện nay chỉ 40% diện tích các khu công nghiệp và 30% diện tích cụm công nghiệp được lấp đầy, còn lại đều bị bỏ hoang. Điều đáng nói là phần lớn đất công nghiệp bỏ hoang này từng là “ bờ xôi, ruộng mật”.

Khu, cụm công nghiệp không thu hút được nhà đầu tư, trong khi phương tiện canh tác không còn, nên nhiều hộ nông dân Miền Tây phải chịu thất nghiệp ngay trên vùng vựa lúa. Thực trạng đó là hậu quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò của công tác quy hoạch.

Kỳ 2: Tù mù tầm nhìn quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khu, cụm công nghiệp ĐBSCL “vỡ trận” (Kỳ 1): Thừa khu công nghiệp, thiếu việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO