Khu Dự trữ sinh quyển Việt Nam (KỲ I): Lá phổi xanh chưa được “định danh”

LÊ SÁNG 25/07/2020 06:00

Khái niệm khu Dự trữ sinh quyển chưa có trong hệ thống quy phạm pháp luật quản lý quốc gia hiện hành. Đồng thời, vẫn chưa có chính sách quản lý thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương.

Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ được ví như

Các khu Dự trữ sinh quyển có vai trò rất lớn trong việc cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường 

“Lá phổi xanh” cho đô thị

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khái niệm về khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận trong khuôn khổ “Chương trình Con người và Sinh quyển” (MAB) của UNESCO và được định nghĩa là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học (ĐDSH) với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.

Tại Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB Việt Nam) là cơ quan đầu mối quốc gia của UNESCO tại Việt Nam được thành lập vào năm 1985 với mục đích xây dựng và đề xuất các khu Dự trữ sinh quyển để quốc tế công nhận, hỗ trợ quản lý và duy trì việc kết nối quốc gia với quốc tế trong lĩnh vực này.

Cho đến nay, Việt Nam có 9 khu Dự trữ sinh quyển được Chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB-UNESCO) công nhận, thuộc cả vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo, bao gồm: Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), khu Dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (2004), khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (2004), khu Dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), khu Dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An (2007), khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009), khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An (2009), khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2011), khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang (2015).

Nếu so trong 9 nước có khu Dự trữ sinh quyển ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về số lượng (11 Khu). Tổng diện tích của 09 khu Dự trữ sinh quyển của Việt Nam là hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích diện tự nhiên cả nước.

Các khu Dự trữ sinh quyển có vai trò rất lớn trong việc cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường nhất là trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng hiện nay. Chẳng hạn như tại thành phố Hồ Chí Minh, sau gần 20 năm khôi phục và phát triển, từ những cánh rừng hoang sơ ban đầu, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn đã trở thành “lá phổi xanh” của đô thị này, có chức năng điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường.

Chưa được "định danh" 

Theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT thì hiện tại, khái niệm khu Dự trữ sinh quyển vẫn còn chưa có trong hệ thống quy phạm pháp luật quản lý quốc gia hiện hành. Đồng thời, vẫn chưa có chính sách quản lý thống nhất đối với khu Dự trữ sinh quyển từ cấp trung ương đến địa phương. Thậm chí, các hướng dẫn về các quy định chung đối với quản lý khu Dự trữ sinh quyển vẫn còn đang rất thiếu.

Được biết, hiện các Khu Dự trữ sinh quyển ở Việt Nam chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan khác nhau. Ví dụ như đối với vùng lõi (Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn) được quản lý trực tiếp theo ngành dọc của các bộ chuyên ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ VHTT&DL).

Theo ông Hoàng Văn Thức, không chỉ còn chồng chéo ở cấp cơ quan quản lý trung ương, về cơ cấu tổ chức, các BQL khu Dự trữ sinh quyển hiện chưa có mô hình tổ chức thống nhất. Mỗi địa phương hình thành bộ máy tổ chức quản lý khu Dự trữ sinh quyển tùy thuộc tiếp cận của mình.

Cụ thể, hiện các bên liên quan tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quản lý khu Dự trữ sinh quyển ở Việt Nam gồm 4 nhóm chính nhưng không đầy đủ, gồm:

Thứ nhất là khối cơ quan nhà nước (bao gồm các bộ, ngành và cơ quan cấp trung ương như UNESCO Việt Nam và cấp địa phương gồm BQL khu Dự trữ sinh quyển, các sở, ngành liên quan (TN&MT, NN&PTNT, VHTT&DL,..), BQL các khu bảo tồn/VQG, UBND các huyện, xã/phường/thị trấn.

Thứ hai là các cộng đồng địa phương: Gồm đại diện các xã trong 3 phân vùng chức năng, các tổ chức quần chúng.

Thứ ba là các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và phát triển như UNESCO quốc tế, các tổ chức/dự án trong và ngoài nước, chuyên gia, cán bộ nghiên cứu của các Viện, trường đại học và tổ chức phi chính phủ (NGOs) và cuối cùng là các Doanh nghiệp địa phương (du lịch, nông nghiệp, xây dựng, …).

Chính từ việc thiếu những hành lang pháp lý cụ thể cũng như chưa có mô hình quản lý thống nhất đã dẫn tới nhiều bất cập trong việc duy trì, phát triển các khu Dự trữ sinh quyển nói chung cũng như hoạt động đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi đầu tư các dự án phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng có nguy cơ ảnh hưởng đến các khu Dự trữ sinh quyển.

Kỳ II: Hài hòa bài toán kinh tế-môi trường

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án lấn biển Cần Giờ: Tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân

    Dự án lấn biển Cần Giờ: Tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân

    05:00, 23/07/2020

  • Dự án lấn biển Cần Giờ: Phù hợp chiến lược phát triển kinh tế biển

    Dự án lấn biển Cần Giờ: Phù hợp chiến lược phát triển kinh tế biển

    15:00, 22/07/2020

  • Điều chỉnh Dự án lấn biển Cần Giờ - Saigon Sunbay

    Điều chỉnh Dự án lấn biển Cần Giờ - Saigon Sunbay

    08:00, 22/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khu Dự trữ sinh quyển Việt Nam (KỲ I): Lá phổi xanh chưa được “định danh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO