Kinh tế địa phương

Khu kinh tế ven biển phía Nam là động lực quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá

HẢI NGÂN 04/08/2024 10:02

Để TP Hải Phòng hiện thực hóa các mục tiêu theo định hướng Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị, việc hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ là một trong những động lực vô cùng quan trọng.

Động lực tăng trưởng mới

25.jpg
Phối cảnh KKT ven biển phía Nam Hải Phòng

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-TW của Bộ Chính trị đã tạo ra thế và lực mới cho TP Hải Phòng. Tuy nhiên, để phát triển Hải Phòng đúng với tiềm năng, vị thế cần phải có sự quan tâm của Trung ương và cơ chế chính sách đủ mạnh, phù hợp. Vì vậy, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Nghị quyết số 45-NQ/TW (Nghị quyết 45) là sự tiếp nối sau Nghị quyết số 32 về xây dựng, phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong Nghị quyết số 45 đã nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của Hải Phòng”.

Cụ thể hóa Nghị quyết 45, một trong những nội dung nêu tại Nghị quyết 30/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là “Phát triển các khu kinh tế ven biển”.

Tại TP Hải Phòng, Khu kinh tế (KKT) Đình Vũ - Cát Hải đang trở thành KKT tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng; là động lực lôi kéo, thúc đẩy TP Hải Phòng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc bộ và cả nước. Tính đến hết năm 2023, KKT này đã thu hút được khoảng 32 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, là một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư của TP Hải Phòng với nhiều dự án lớn. Từ thành công của KKT Đình Vũ - Cát Hải, TP Hải Phòng đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động đề xuất Trung ương thành lập KKT thứ 2 - KKT ven biển phía Nam.

Theo đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, KKT này có diện tích khoảng 20.000 ha - là KKT sinh thái thế hệ 3.0 đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh. Đến năm 2030, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng sẽ trở thành động lực chủ đạo của nền kinh tế TP Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của KKT Đình Vũ - Cát Hải. Ngoài ra, KKT ven biển phía Nam sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các KKT lân cận, tạo thành chuỗi KKT ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.

Bên cạnh đó, một phần không gian KKT ven biển phía Nam được sử dụng phát triển khu thương mại tự do. Đây là bước đột phá đối với TP Hải Phòng và cả nước để thí điểm những cơ chế, chính sách mở cửa mạnh mẽ. Khi đó, KKT ven biển phía Nam là nơi duy nhất tại Việt Nam tới nay triển khai những chính sách hội nhập cao, tạo lợi thế vượt trội thu hút đầu tư nước ngoài, đủ sức cạnh tranh trong khu vực.

41(1).jpg
KKT Đình Vũ - Cát Hải được đánh giá là hoạt động hiệu quả và có sức hấp dẫn đặc biệt

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, trong nhiều năm qua, động lực tăng trưởng chính của TP Hải Phòng là khu kinh tế (KKT) Đình Vũ - Cát Hải, nhưng hiện nay tỷ lệ lấp đầy gần 80%. Do đó, ngay tại thời điểm này, nhiệm vụ rất cấp thiết và cần thiết là phải khai thông động lực tăng trưởng mới, bảo đảm cho tương lai phát triển của thành phố trong 10, 15, 20 năm tới. Với tinh thần quyết liệt, nỗ lực cao nhất, tăng tốc, thành phố đã gấp rút hoàn thành Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam để trình Trung ương xem xét, phê duyệt trong năm 2024.

Còn theo ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng, việc sớm xây dựng KKT ven biển phía Nam là rất cần thiết để “chạy đua” đón “làn sóng” đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đang hướng về Hải Phòng. Bên cạnh đó, từ thành công của KKT Đình Vũ - Cát Hải, cũng đặt ra không ít yêu cầu, đòi hỏi mới trước những thách thức trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, thích ứng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Để tập trung thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, phát triển bền vững đòi hỏi mô hình KKT thế hệ mới (3.0) cùng với những chính sách mở cửa cao nhất.

Đẩy nhanh việc thành lập

Việc thành lập và phát triển KKT ven biển phía Nam bao gồm mô hình khu thương mại tự do là bước cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Nghị quyết 30, Nghị quyết 45 đặt ra đối với TP Hải Phòng. Bên cạnh đó, việc phát triển KKT ven biển phía Nam còn hoàn toàn phù hợp với quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 368/QĐ-TTg và nằm trong danh mục dự kiến các dự án quan trọng của vùng được ưu tiên đầu tư.

42.jpg
Theo đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, KKT này có diện tích khoảng 20.000 ha - là KKT sinh thái thế hệ 3.0 đa ngành

Ngoài ra, trong quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg cũng đã xác định rõ khâu đột phá về phát triển cảng biển và dịch vụ logistics là “thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới”.

Theo các chuyên gia nhận định, việc xây dựng KKT ven biển phía Nam không chỉ riêng cho Hải Phòng mà còn tạo sự liên kết phát triển vùng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông kết nối vùng đang dần hoàn thiện.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Hải Phòng được gọi là trung tâm cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh quốc tế như thế này, sứ mệnh cạnh tranh quốc tế của Việt Nam dồn hết vào Hải Phòng. Vì vậy, phải dồn nguồn lực, điều kiện thể chế vào Hải Phòng. Điều kiện ban đầu của Hải Phòng có cảng biển, sân bay, có đường nhưng vẫn chưa đủ. Tới đây, sân bay phải phát triển lên, thậm chí sân bay thứ 2 cũng phải đặt vấn đề ra. Cảng không chỉ là cảng Đình Vũ mà đặc biệt là khu kinh tế Nam Đồ Sơn gắn với cảng Đồ Sơn phải xúc tiến ngay. Đây không phải để cho Hải Phòng vượt lên một mình Hải Phòng, mà đây là mở ra, tạo động lực cho cả vùng Bắc Bộ, tạo động lực cho cả đất nước”.

Còn PGS. TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Có 4 mục tiêu chủ yếu để đẩy nhanh việc thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Đó là, thí điểm mô hình, cơ chế, chính sách quản lý mới có hiệu quả hơn; tạo sức hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp hóa; thu hút lao động chất lượng cao; đẩy nhanh nhịp độ xây dựng kết cấu hạ tầng và quá trình đô thị hóa. Trong đó, các chính sách miễn giảm thuế, giảm thiểu các quy định và thủ tục hành chính sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi làm cho khu thương mại tự do Hải Phòng trở thành một dự án hấp dẫn, thu hút và kích thích các nhà đầu tư lớn của nước ngoài đầu tư vào các dự án mới, công nghệ cao mang tầm cỡ toàn cầu, góp phần vào sự đa dạng hóa nền kinh tế của Hải Phòng và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa của thành phố”.

Hiện KKT ven biển phía Nam được xác định có lợi thế so sánh đặc biệt về vị trí khi “mặt tiền” hướng biển, chủ chốt là cảng Nam Đồ Sơn. “Hậu phương” vững chắc là vùng công nghiệp các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc. Phát triển KKT ven biển phía Nam là một trong những giải pháp chủ yếu giúp Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ, thực hiện thành công các định hướng, nhiệm vụ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khu kinh tế ven biển phía Nam là động lực quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO