Ngoài việc chuyển đổi thành khu thương mại dịch vụ (không phi thuế quan), thì tỉnh An Giang chưa có giải pháp nào sáng sửa hơn cho Khu thương mại Tịnh Biên.
Nay lại thêm dịch COVID-19, càng khiến cho Khu thương mại này thêm bế tắc.
Đến năm 2018, khu phi thuế quan ở Khu thương mại Tịnh Biên đóng cửa, do bãi bỏ cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi đối với Khu kinh tế cửa khẩu.
Theo ghi nhận của Phóng viên DĐDN, trước khi chính sách nói trên được ban hành thì hoạt động ở Khu thương mại Tịnh Biên cũng không phải đã hoàn toàn theo đúng quy định. Bởi hầu hết hàng hóa bán trong Khu thương mại là hàng ngoại nhập, được miễn thuế khi nhập khẩu vào đây. Nếu bán hàng theo tiêu chuẩn 500.000 đồng/người/ngày thì các doanh nghiệp vẫn có lãi do miễn nhiều khoản thuế.
Tuy nhiên, trong thời gian khá dài, thi thoảng ở Khu thương mại Tịnh Biên lại diễn ra tình trạng buôn lậu hàng hóa. Theo đó, hàng hóa từ khu phi thuế quan như bia, rượu… được tuồn ra bên ngoài để bán kiếm lời. Nếu không có sự tiếp tay của doanh nghiệp trong khu miễn thuế và sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan Hải quan nơi đây thì làm sao xảy ra tình trạng buôn lậu này?
Có lẽ do đã thấy được tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi để buôn lậu ở khu phi thuế quan mà cơ quan quản lý Nhà nước đã thay đổi cơ chế chính sách đối với Khu thương mại Tịnh Biên.
Như DĐDN đã thông tin, khai trương năm 2009, nhưng đến 2015 gần như 63 doanh nghiệp đầu tư khai thác ở Khu thương mại Tịnh Biên đã ngừng hoạt động. Đó có thể là lúc siết chặt quản lý vấn nạn buôn lậu ở Khu thương mại này nên không còn cơ hội nào cho các doanh nghiệp kiếm lời bất chính, từ đó đẩy một Khu thương mại đồ sộ như điểm sáng trên vùng biên ải trở thành khối tài sản nằm… phơi nắng.
Ngày 16/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg về việc bãi bỏ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên. Theo đó, các doanh nghiệp bán hàng miễn thuế ở đây không còn được miễn nhiều loại thuế nữa.
Tương lai mịt mù
Sau khi có Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định này. Triển khai tinh thần đó, ngày 04/9/2018, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 2136/QĐ-UBND về việc điều chỉnh cục bộ Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên thuộc Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030.
Theo đó, điều chỉnh Khu thương mại Tịnh Biên từ khu thương mại phi thuế quan thành khu thương mại dịch vụ (không phi thuế quan) như: điểm dừng chân, khu tổ chức sự kiện, khu thương mại dịch vụ, kho ngoại quan, bãi xe và công trình hạ tầng kỹ thuật khác… Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang có trách nhiệm thông báo đến các doanh nghiệp hoạt động tại Khu thương mại Tịnh Biên trước năm 2015 về việc xử lý những tồn tại.
Cụ thể, các doanh nghiệp trước đây đã mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa vào Khu thương mại Tịnh Biên còn tồn đọng (hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài được nhập khẩu miễn thuế để kinh doanh cũng như để tạo tài sản phục vụ cho hoạt động kinh doanh), thì khẩn trương mang đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan đến Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, để xử lý dứt điểm theo quy định.
Còn các doanh nghiệp không mở tờ khai hải quan về hàng hóa tạo tài sản, thì có văn bản cam kết không có hàng hóa tạo tài sản trong Khu thương mại Tịnh Biên, gửi đến Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên để cập nhật.
Có thể bạn quan tâm
04:41, 29/03/2020
05:20, 02/04/2020
04:50, 02/04/2020
17:08, 01/04/2020
Theo một cán bộ ở huyện Tịnh Biên, sau nhiều năm tồn đọng, đến nay việc xử lý hồ sơ và hàng hóa tồn động vẫn chưa xong. Trong thời gian tới, Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thỏa thuận với các doanh nghiệp còn hàng hóa tồn đọng (hàng chưa bán được và hầu hết là quá hạn sử dụng) để đưa số hàng này ra tiêu hủy.
“Mặc dù chuyển thành khu không phi thuế quan ở nơi biên giới xa xôi vốn không thuận tiện cho việc đầu tư kinh doanh nhưng doanh nghiệp cũng dự tính sau khi xử lý hàng hóa tồn đọng xong, cũng sẽ sửa chữa lại cơ sở kinh doanh đang xuống cấp để làm ăn lại. Nhưng hàng hóa chưa xử lý xong thì dịch COVID-19 ập tới. Vì vậy, Khu thương mại này tiếp tục “phơi nắng”, chưa biết đến bao giờ khởi sắc trở lại”, vị cán bộ nói trên tâm sự.