Khủng hoảng là chất xúc tác (kỳ II): 5 rủi ro hàng đầu với doanh nghiệp khi COVID kéo dài

THY HẰNG 02/09/2021 15:46

Các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng những tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới với 5 rủi ro hàng đầu phải đối mặt.

Báo cáo Toàn cầu “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi” vừa được Deloitte Private công bố cho thấy, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới và trong hầu hết các lĩnh vực.

Chuỗi cung ứng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Chuỗi cung ứng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Chuỗi cung ứng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với các hành lang thương mại tạm thời bị gián đoạn và năng lực sản xuất giảm đáng kể.

Theo đó, khảo sát với 2.750 lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân trên 33 quốc gia cho thấy, 60% số người tham gia khảo sát tin rằng chuỗi cung ứng cần được thiết lập lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.

“Như chúng tôi đã dự đoán trong ấn phẩm COVID-19: Sự phục hồi của các tổ chức và chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các mạng lưới cung ứng gắn kết hơn, không chỉ xem xét đến tính hiệu quả mà còn cả khả năng phục hồi và nguồn dự phòng”, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private chia sẻ.

Cụ thể, các lãnh đạo doanh nghiệp đang tận dụng cuộc khủng hoảng để hiểu rõ hơn về sự phụ thuộc lẫn nhau và tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực như mạng lưới cung ứng kỹ thuật số để lường trước, phán đoán và phản ứng tốt hơn với những thay đổi bất ngờ.

Đặc biệt, nhận định được đưa ra rằng đại dịch có thể đẩy nhanh những nỗ lực này, nhưng sẽ mất thời gian để nhìn thấy được những lợi ích, như vụ tắc nghẽn kênh đào Suez gần đây. Vấn đề do một tàu chở hàng bị mắc cạn, khiến gần 400 tàu khác bị hoãn, gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu gần 10 tỷ đô la mỗi ngày, một lần nữa cho thấy sự phụ thuộc của nhiều doanh nghiệp vào một chuỗi cung ứng toàn cầu vận hành tốt.

Đáng lưu ý, đa số lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng những tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới.

5 rủi ro hàng đầu đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong 12-36 tháng tới

5 rủi ro hàng đầu đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong 12-36 tháng tới.

“Họ nhận định các rủi ro liên quan đến COVID là những mối quan tâm hàng đầu trong 12 đến 36 tháng tới, trong đó những người quan ngại nhất là những người tham gia khảo sát đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những người tham gia khảo sát ở tất cả các khu vực đều cho rằng tài trợ của chính phủ để bù đắp tác động của đại dịch đến nền kinh tế là hình thức hỗ trợ quan trọng nhất của chính phủ trong năm nay để tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng”, ông Minh chia sẻ. 

Đại dịch không chỉ làm tăng số lượng những rủi ro các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt, mà còn làm thay đổi bản chất của những rủi ro này, khiến việc đo lường và quản trị chúng trở nên khó khăn hơn. Mặc dù việc đánh giá và định lượng tác động của chuỗi cung ứng đã bị tổn hại bởi COVID-19 tương đối đơn giản, nhưng một số rủi ro – chẳng hạn như sở thích của khách hàng thay đổi – khó để đo lường và giảm thiểu tác động hơn, và có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến thành công của doanh nghiệp.

5 rủi ro hàng đầu đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong 12-36 tháng tới gồm, thứ nhất, tác động của COVID-19 đến thị trường, đối với nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ. Thứ hai, tác động của COVID-19 đến vận hành: chuỗi cung ứng, nhân sự, CNTT, phân phối.

Thứ ba, các cuộc tấn công mạng tiềm ẩn và bảo mật công nghệ thông tin. Thứ tư, rủi ro gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thứ năm, chi phí nguyên vật liệu và các chi phí đầu vào khác bao gồm cả năng lượng.

Theo Deloitte, mặc dù các rủi ro liên quan đến COVID là những rủi ro trước mắt, cần được xem là trọng tâm, nhưng các nhà lãnh đạo cần cẩn thận để không bỏ qua những rủi ro khác.

Theo đó, họ sẽ vẫn cần lường trước những thách thức không ngừng trở nên phức tạp như tấn công mạng và gia tăng cạnh tranh trên thị trường. Các lãnh đạo cũng nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) và tác động của biến đổi khí hậu đối với vận hành của doanh nghiệp. 

Về khía cạnh rủi ro, một lần nữa, chúng ta lại thấy sự khác biệt về quan điểm giữa các doanh nghiệp có khả năng phục hồi khác nhau. Ví dụ, so với những doanh nghiệp có điểm khả năng phục hồi thấp, những công ty có khả năng phục hồi cao đánh giá rằng các cuộc tấn công mạng, biến đổi khí hậu, sự gián đoạn và rủi ro chính trị mang lại rủi ro cao hơn nhiều

Kỳ (III): Chiến lược phục hồi

Có thể bạn quan tâm

  • Khủng hoảng là chất xúc tác (kỳ I): Bảy yếu tố trụ cột để doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi

    14:24, 01/09/2021

  • “Quản trị khủng hoảng” cho doanh nghiệp

    17:18, 17/08/2021

  • Dự báo “khủng hoảng” sắp đến với thị trường chứng khoán Mỹ?

    04:30, 15/08/2021

  • CHUYỆN CUỐI TUẦN: Chiến lược giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?

    07:00, 14/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khủng hoảng là chất xúc tác (kỳ II): 5 rủi ro hàng đầu với doanh nghiệp khi COVID kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO