Tình trạng thiếu điện ở Châu Âu và Trung Quốc có thể gây ra nguy cơ lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới.
Tình trạng thiếu điện không chỉ diễn ra ở Châu Âu, Trung Quốc, mà còn ở nhiều quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan, Brazil…
Nguy cơ lạm phát
Các nhà sản xuất dùng nhiều điện năng như sản xuất phân bón và hóa chất ở Châu Âu và Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng và thậm chí phải đóng cửa. Điều này có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu nguồn cung lương thực và lạm phát toàn cầu vì giá lương thực có thể sẽ leo thang. Tình trạng này cũng tương tự với các lĩnh vực khác. Thậm chí, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc còn buộc hai hãng khổng lồ của thế giới là Apple và Tesla của Mỹ phải tạm dừng sản xuất, gây lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt vào thời điểm cuối năm nay.
Ở Brazil, dòng chảy sông Parana yếu nhất trong gần một thế kỷ khiến sản lượng thủy điện không đủ, buộc nước này cũng phải trông vào khí gas để sản xuất điện. Hồi tháng 7 vừa qua, nước này phải nhập khẩu khí gas lớn nhất từ trước tới nay, và giá điện cũng đã tăng.
Các chuyên gia lo ngại rằng, các nhà máy sản xuất nhôm và thép ở Trung Quốc phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu điện hay phải chịu giá điện tăng, sẽ khiến giá nhôm và thép thế giới có thể tăng mạnh vì Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới những mặt hàng nguyên liệu quan trọng này. Điều này có thể gây áp lực lên giá nhiều mặt hàng khác và lạm phát trên thế giới có nguy cơ cao.
Hàm ý chính sách
Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc và Châu Âu chủ yếu mang tính kỹ thuật, chứ không mang tính cơ cấu và không có tính dài hạn. Do đó, nguy cơ làm tăng lạm phát toàn cầu từ những tình trạng trên không cao và khó kéo dài.
Tình trạng thiếu điện ở Châu Âu và Trung Quốc có thể được giải quyết bằng một hoặc vài trong số các biện pháp. Thứ nhất là tăng giá điện (đặc biệt trường hợp Trung Quốc vì nước này được cho là áp đặt giá điện thấp). Việc tăng giá điện một lần sẽ gây ra hiệu ứng tăng giá một lần trong ngắn hạn nên không gây ra lạm phát. Thứ hai là cắt giảm một phần sản xuất và tiêu dùng như hiện nay. Thứ ba là xả kho dự trữ than và khí gas, chấp nhận mức tồn kho thấp hơn. Thứ tư, chấp nhận lùi thời hạn đạt chỉ tiêu hạn mức khí thải, theo đó cho phép tăng sử dụng than để sản xuất điện.
Tóm lại, tình trạng thiếu năng lượng hiện nay ở một số nền kinh tế lớn như EU, Trung Quốc và một số nước khác chỉ có hiệu ứng ngắn hạn. Do đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho rằng tình hình sẽ dần ổn định trở lại bình thường trong năm 2022, và không cần có điều chỉnh nào về chính sách trước một vài áp lực lạm phát do tình trạng thiếu hụt năng lượng trên gây ra.
Có thể bạn quan tâm