Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu theo báo cáo về chỉ số rủi ro khó hậu toàn cầu năm 2020.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết tại Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”, ngày 13/10.
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, những năm qua Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).
Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.
Theo báo cáo tại diễn đàn, trong vài thập kỷ vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng với việc chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sử dụng năng lượng chủ yếu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống sang một nền kinh tế sử dụng các dạng năng lượng tổng hợp và hiện đại.
Tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người đã tăng từ 114 USD vào năm 1990 đến 2.587 USD vào năm 2018 như là một dấu mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình.
Nhận thức được vấn đề quan trọng này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững. Trong đó phải kể đến Nghị quyết 55 - NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Vẫn theo ông Hiển, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững, như bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia một cách nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí; có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả..” với mục tiêu chủ yếu, như giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15 % vào năm 2030 lên mức 20 % vào năm 2045.
Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20 % vào năm 2030; 25 - 30 % vào năm 2045; Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 % vào năm 2030 và khoảng 14 % vào năm 2045…
Theo tinh thần của Nghị quyết 55, Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết.
Thời gian tới, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dầu khí và hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường.
Nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại tọa đàm, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, mức nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.
Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà quan trọng là chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
Chiến dịch “Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững” phải đảm bảo yêu cầu “sống còn”, đó là bảo vệ môi trường, thậm chí ưu tiên trước cả nhu cầu năng lượng.
Chuyển dịch năng lượng phải giữ được 2 mục đích, vừa đáp ứng đủ năng lượng, vừa đảm bảo môi trường không ô nhiễm. Việt Nam hiện nay đang “ráo riết” xây dựng chương trình năng lượng quốc gia hợp lý và hiệu quả nhất.
Thị trường rất “kỳ diệu”, ngay cả sự “trừng phạt” cũng rất khắc nghiệt, cho nên chúng ta cần phải biết sử dụng một cách hiệu quả và khoa học. Bài học này cho đến nay chúng ta vẫn học “chưa đến nơi đến chốn". Đơn cử, hiện nay đang có câu chuyện các nhà đầu tư làm điện gió “tăng tốc” đi xin lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, “cuộc chơi” đôi khi cũng rất “nghiệt ngã”.
Thứ nhất, vì lợi ích quốc gia nên không thể gia hạn. Thứ hai, gia hạn có thời hạn để khuyến khích các nhà đầu tư. Nhưng gia hạn đến mức nào để đảm bảo thị trường hợp lý thì lại là cả một “nghệ thuật”.
Hoặc câu chuyện đấu thầu hay chỉ định thầu như thế nào? Vì “mặt trận” thị trường điện này còn mới mẻ, cơ hội có thể “bùng lên” mạnh mẽ. Trong khi các nhà đầu tư vốn rất “tinh mắt, nhanh tay”. Do đó, việc đấu thầu như thế nào, xử lý ra sao là vấn đề rất lớn. Và lớn hơn nữa là an ninh quốc gia về năng lượng, khi nguồn tài nguyên năng lượng quý như vậy, bao nhiêu năm nay các vùng nghèo khó lại có cơ hội trở thành những vùng giàu có mà lại không biết giữ gìn.
Đây là những vấn đề “nóng”, điều này gắn với câu chuyện thay đổi tư duy phát triển. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là một cách tiếp cận về nguồn lực phát triển. Trước đây có những vùng rất nghèo, tìm mãi không có “cửa” nào để thoát nghèo như miền Trung, thì nay đang “trỗi dậy” và còn “thách thức” luôn cả những vùng có nhiều tiềm năng như khu vực bắc Bộ.
Nhưng để tận dụng và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm đến khu vực này khi khai thác năng lượng tái tạo sẽ liên quan “mật thiết” đến vấn đề chính sách quan trọng, đó là giá và đấu thầu.
Có thể bạn quan tâm
Cần "cởi trói" năng lượng sạch
10:09, 04/10/2021
Tăng cường vai trò khu vực tư nhân hậu COVID-19: (Kỳ 3) Năng lượng - lĩnh vực sẽ tạo ra khác biệt
11:00, 30/09/2021
“Cơn khát” LNG của các công ty năng lượng Trung Quốc
05:00, 28/09/2021
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Bỉ: 3 tỷ Euro cho các dự án năng lượng
21:22, 09/09/2021