Hình phạt lớn nhất đối với mỗi người không phải là sự cắn rứt lương tâm mà là những lời đe doạ "bóc phốt trên mạng".
Truyền thống Việt Nam luôn đề cao nhân, lễ, nghĩa, trí, tin, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.
"Tín" và "chân" chính là sự trung thực, chân thành giữa người và người, là nguyên tắc sống cơ bản trong xã hội.
Uy tín với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và xã hội luôn được đánh giá cao. Khi gây dựng được lòng tin, bạn dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của mọi người trong cuộc sống.
Ở Nhật, người ta rất coi trọng chữ tín. Xung quanh bãi đỗ xe tại rất nhiều thị trấn nhỏ thường thấy nhiều sạp nhỏ bán rau tươi, trứng gà nhưng không hề có người trông coi, bên cạnh là một mảnh gỗ viết gía tiền. Khách hàng mua đồ rồi tự giác bỏ tiền vào chiếc hộp trông giống như heo đất.
Ở Đà Lạt cũng đã xuất hiện mô hình tiệm trà tương tự như vậy và vẫn chưa xảy ra bất cứ vụ cướp bóc, lừa lọc nào. Đó là Quán của Thời Thanh Xuân nằm trên đường Triệu Việt Vương.
Dù vắng người, chủ quán vẫn dặn khách vào chơi, "muốn gì cứ tự lấy", rồi bỏ tiền vào thùng gỗ trong bếp. "Dự án này giúp các bạn điếc - khiếm thính, không ai lỡ lừa chúng mình đâu" - một trong các thành viên của tiệm trà chia sẻ.
Giá như chuyện này là chuyện bình thường ở Việt Nam, và chúng ta không lừa dối lẫn nhau chứ không riêng gì đối với người khuyết tật.
Nhưng cuộc sống bây giờ ồn ào với thực phẩm bẩn, nguồn nước không đảm bảo, đổ xăng sai lệch, bác sĩ phán kết quả sai, mỹ phẩm giả, lụa Việt nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc... Nếu ngày xưa, bạn còn hay dùng cụm từ "Sống bằng niềm tin" thì bây giờ cũng chả áp dụng được nữa. Chúng ta mắc "hội chứng nghi ngờ vạn vật"?
Chúng ta hay đổ lỗi cho các vấn đề kinh tế xã hội, và chờ đợi một phép màu xảy ra để "người với người sống để thương nhau", chứ mấy ai tự soi xét lại bản thân?
Chúng ta cũng hay share và lên án theo đám đông, chứ ít khi tỉnh táo phân biệt giữa cơn khủng hoảng truyền thông và khủng hoảng niềm tin.
Cũng đúng thôi, vì Internet đã trở thành môi trường sống thứ hai, và những câu chuyện hằng ngày trên Facebook, Instagram, Tumblr đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý, nhân sinh quan con người, góp phần làm ta sống mà cứ phải dè chừng mỗi ngày.
Thiết nghĩ nhà sáng lập Facebook Mark Zukerberg không cần phải suy nghĩ cách xử lý khủng hoảng trên Facebook thế nào, vì tự người dùng mạng xã hội - khi đã đẩy nhau vào hố sâu của cuộc sống tồi tệ - sẽ tự động deactive Facebook để tìm lấy không gian sống yên tĩnh cho bản thân, không còn phải đau mắt, đau não nhìn thấy những câu chuyện được thêu dệt, hay mải mê ngắm nghía, ganh tị với cuộc sống của người khác và rồi sống ảo cho bằng bạn bè.
Người lớn thường hay không tin tại sao người trẻ lại dễ mắc bệnh trầm cảm, có những suy nghĩ tiêu cực và mất ý chí. Buồn chán, lo sợ, mất hy vọng vào cái xã hội là dấu hiệu đầu tiên của bệnh trầm cảm.
Sự lo lắng, muộn phiền làm lu mờ niềm tin. Nó khiến người trẻ cứ mãi chăm chú vào rắc rối cuộc đời mà quên đi sức mạnh tinh thần, tạo cho chúng ta niềm tin vào cuộc sống.
Trong tiểu thuyết Hội hè miên man, nhà văn Ernest Hemingway đã dùng cụm từ "Lost Generation" - "Thế hệ bỏ đi" để chỉ những người sống trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng, lạc lõng trong cuộc sống, không biết tin vào điều gì và không biết đi về đâu.
Gần 100 năm sau, bạn vẫn tự cảm thấy mình cũng đang là một thành viên trong "Thế hệ bỏ đi" ấy, hay đã nâng cấp lên "Thế hệ Dreamer" sống trong khoảng không mơ mộng Lalaland của riêng mình - nơi không có lừa lọc, thù ghét, oán giận?
"Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này", Mahatma Gandhi nói. Mỗi chúng ta là một phần của xã hội, vì thế, thay đổi bản thân cũng chính là đang thay đổi xã hội, và nó lan tỏa nhanh hơn bạn nghĩ.
Để không bị khủng hoảng niềm tin, mỗi chúng ta phải biết sống trung thực trước đã. Chính bạn phải tự lạc quan lên, sống thực và bớt lang thang trên mạng xã hội, bới móc đời tư của người này người khác.
Sandy Bích Ngọc - cô gái gây "bão mạng" mấy ngày gần đây với video kể về bản thân và một người khác bị người thân xâm hại - đã khóa Facebook cá nhân. Người người nhà nhà cho rằng đó là chuyện bịa đặt và họ đang lên án, tố cáo, chỉ trích "cô gái dựng chuyện" này...
Khóa Facebook không phải là sự tháo chạy, rũ bỏ cả thế giới, vì dù có đi đâu, Sandy cũng phải đối diện với xã hội, nhiều người khác và với chính bản thân.
Hãy để Sandy có thời gian suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra. Và để cho Sandy một lối thoát nếu cô ấy lỡ "dựng chuyện".
Bạn cũng đừng vì thế mà lại khủng hoảng niềm tin. Thực tế vẫn có thể xảy ra những câu chuyện như Sandy đã kể. Thay vì nhiếc móc và cố gắng phân tích cô gái ấy có nói dối, lừa đảo hay không, bạn hãy quan tâm đến vấn đề về lạm dụng tình dục để cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Nếu có vẻ cao xa quá, bạn hãy xây dựng mối quan hệ gia đình, bạn bè của mình thật lành mạnh, và bắt đầu bằng một chữ "tín".