Hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành trọng điểm, có tiềm năng lớn, góp phần tăng trưởng xuất khẩu mục tiêu cao hơn.
Tổng cục Thống kê đã đề xuất những giải pháp chiến lược và hành động thực tế nhằm cải thiện và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2025 được nhận định có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Dù kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tiến sát mốc 800 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua mốc 400 tỷ USD, góp phầ đưa Việt Nam đứng thứ 17/20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Cũng trong năm qua, có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép và gỗ duy trì vị trí dẫn đầu.
Năm 2024 cũng ghi nhận nhiều thành tựu trong xuất khẩu nông sản, điển hình là các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều, trái cây. Trong đó, gạo của Việt Nam đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh lớn như Thái Lan, Ấn Độ và đạt được những hợp đồng xuất khẩu lớn, đặc biệt là tại các thị trường châu Á và châu Phi.
Bên cạnh đó, các loại trái cây Việt Nam như mít, thanh long và xoài đã gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính là Mỹ, EU và Nhật Bản, đánh dấu bước tiến lớn trong việc nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.
Với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trên, hàng hoá Việt Nam không chỉ có mặt tại các thị trường truyền thống gia tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng tại châu Phi và Nam Mỹ; nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến sẵn và sản phẩm tiêu dùng. Đây sẽ là những thị trường tiềm năng mà Việt Nam đang tìm cách mở rộng xuất khẩu.
Bước sang năm 2025, từ tháng đầu tiên, các hoạt động sản xuất đã được đẩy mạnh với mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 12% so với năm 2024. Tiếp đà tăng trưởng, đón đầu cơ hội, song xuất khẩu của Việt Nam được Tổng cục Thống kê nhận định tiếp tục đối mặt với một số thách thức lớn.
Đó là sự suy giảm nhu cầu từ các thị trường lớn; việc cải thiện hạ tầng logistics còn khó khăn; phụ thuộc vào một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thể làm gia tăng rủi ro khi xảy ra biến động về giá cả hoặc nhu cầu giảm từ các thị trường chủ yếu.
Để phát triển và nâng cao hiệu quả xuất, nhập khẩu trong năm 2025, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần thực hiện các giải pháp chiến lược và hành động thực tế như tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ như công nghệ blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng, xác thực xuất xứ hàng hóa, minh bạch hóa thông tin giúp tăng cường tính an toàn và tin cậy trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị gia tăng thông qua việc đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao chất lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất giúp các sản phẩm xuất khẩu có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Đồng thời, chuyển dịch sang sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng rất quan trọng và cần thiết. Cụ thể, Chính phủ có thể đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu; có chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành trọng điểm, có tiềm năng xuất khẩu lớn như công nghệ thông tin, điện tử, thực phẩm chế biến và nông sản.
Ngoài ra, chú trọng bảo vệ và phát triển thương hiệu quốc gia giúp gia tăng giá trị thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu, duy trì vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả và hàng nhái, nhất là trong các ngành dệt may, điện tử, thực phẩm…