Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với đẩy mạnh sản xuất chính là một trong những “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế năm 2024, tuy nhiên dự báo còn nhiều thách thức.
>>Doanh nghiệp bán lẻ thích ứng với xu thế tiêu dùng hiện đại
Được tạo đà từ quý 3 năm nay, với GDP tăng khoảng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực dịch vụ, nhất là tiêu dùng nội địa đóng góp 75 - 80% tăng trưởng, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và chính sách nhận định: cầu tiêu dùng trong thời gian tới là động lực tăng trưởng chính, cùng với sự lan toả của các gói đầu tư công, các gói kích cầu, xuất khẩu…
Đồng thuận với quan điểm trên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của thị trường nội địa trong tăng trưởng kinh tế, nhất là trong những giai đoạn khó khăn từ tác động bất lợi và khó kiểm soát của kinh tế toàn cầu như hiện nay. Thị trường tiêu dùng nội địa còn đánh giá có sức hấp dẫn đầu tư bởi nền kinh tế có xu hướng tiêu dùng biên cao, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm gần 2/3 GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50 - 55% GDP. Dân số đông, bao gồm trong đó gần 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn.
Năm 2024, với những thách thức hiện hữu, kích cầu tiêu dùng nội địa chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng và là yếu tố chính lan toả hệ số nhân tài khoá. Đặc biệt, khi các chính sách khuyến khích tiêu dùng với sản xuất trong nước góp phần tạo hiệu ứng kích hoạt và cộng hưởng từ đồng vốn đầu tư công đang được giải ngân mạnh mẽ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu kinh tế tháng 11, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng chỉ ra một số điểm chững của thị trường tiêu dùng nội địa khi sức mua chưa sôi động trở lại, nhất là so với giai đoạn trước đại dịch. Cụ thể, doanh số bán lẻ - đại diện cho tiêu dùng nội địa ghi nhận mức giảm nhẹ 0,27% trong tháng vào tháng 11, sau mức tăng 1,65% được ghi nhận vào tháng 10. Doanh số bán hàng hóa, chiếm gần 80% tổng doanh số bán lẻ, hầu như không thay đổi ở mức - 0,12% trong tháng 11 so với mức - 0,49% trong tháng 10/2023. Trong khi đó, doanh số bán dịch vụ khách sạn giảm 3,6% so với mức giảm 4,4% vào tháng 10/2023. Dịch vụ du lịch tiếp tục giảm ở mức 11,2%, thấp hơn 1,8% so với tháng trước, phản ánh tình trạng du lịch nội địa đang dần yếu đi. Từ những con số trên, WB lưu ý, Việt Nam có thể xem xét gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế (2022-2023) sang năm tới cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đầy đủ và hỗ trợ tổng cầu.
>>Grab “tiết lộ” hành vi tiêu dùng của người Việt năm 2023
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn – trường Chính sách công và quản lý của Đại học Fullbright Việt Nam nhấn mạnh đến chính sách tài khoá, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt bằng chính sách thuế như kéo dài thời gian giảm thuế VAT tạo động lực cho thị trường; thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, năm 2024, chính sách cần được điều hành căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định, lâu dài. Trong đó, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, chẳng hạn, Nhà nước có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường… Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỉ giá ngoại tệ có tác động rất lớn đến ngành bán lẻ, đại diện Hiệp hội đề xuất cơ quan quản lý cần có chính sách điều hành với nhịp độ nhanh hơn nhằm đáp ứng những biến động của thị trường.
Có thể bạn quan tâm
12:53, 22/12/2023
00:30, 22/12/2023
01:00, 15/12/2023
01:32, 13/12/2023