Doanh nghiệp

Kích cầu tiêu dùng - “đòn bẩy” cho tăng trưởng bền vững

Châu Huệ 24/04/2025 02:37

Theo các chuyên gia, về lâu dài, động lực tăng trưởng cho tiêu dùng trong nước phải đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công, cải cách thể chế và phát triển thị trường trong nước.

Năm 2025, thị trường hàng hóa thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp do các yếu tố địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Các vấn đề như căng thẳng Trung Đông, xung đột Nga – Ukraine hay chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa chuỗi cung ứng năng lượng, hàng hóa.

87402-1716174219794698838692.jpg
Các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.

Trước bối cảnh đó, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam được xác định là “trụ cột” ổn định tăng trưởng kinh tế và “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, đặc biệt khi xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức.

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2025 đạt 1.708.252 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nhóm có mức tăng cao là lương thực, thực phẩm, hàng văn hóa phẩm, giáo dục (tăng lần lượt 10,1% và 13,3%); nhóm du lịch, dịch vụ và lưu trú, ăn uống (tăng từ 12,5 và 18,3%). Cũng theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện đạt khoảng 4.922.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 190 tỷ USD, số liệu năm 2024). Trong đó, tiêu dùng cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất là 35,7%, tiếp đến là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 10,7%, nhóm hàng may mặc chiếm 5,5%, nhóm phương tiện đi lại chiếm 4,8%...

Theo các chuyên gia, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là thị trường tương đối tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới như Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), Central Retail,... . Các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước như Sai Gon Co.op, Hapro mart, Wincommerce, Bách Hóa Xanh... cũng liên tục phát triển hệ thống bán lẻ trên cả nước.

Tuy nhiên, thị trường trong nước cũng gặp một số khó khăn, thách thức như kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm. Sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn chưa kịp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng mới,...

Ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường trong nước, nhìn nhận các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ, thúc đẩy đầu tư công giúp tăng thu nhập cho người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng qua đó thúc đẩy tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, động lực tăng trưởng cho tiêu dùng trong nước phải đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công, cải cách thể chế và phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt, cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế cần được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail cũng gợi ý các nhà sản xuất tăng phát triển thêm sản phẩm mới để mở rộng đầu ra. Nhưng sức tiêu thụ phụ thuộc vào tâm lý, nhu cầu và năng lực chi tiêu của người dân; do đó, giảm giá cần đi kèm các giải pháp căn cơ hơn.

Để mang hàng hóa đến gần với người tiêu dùng hơn, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, phân phối hàng hóa. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình bình ổn thị trường kết hợp với kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại để vừa góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa kích cầu tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kích cầu tiêu dùng - “đòn bẩy” cho tăng trưởng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO