Theo các chuyên gia, để kích cầu tín dụng, các ngân hàng cần “cởi mở” hơn nữa, đồng thời cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp.
>>Thu hút đầu tư vào tín dụng xanh
Theo NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 5 tín dụng mới tăng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm trước.
Các ngân hàng đang tiếp tục giảm sâu hơn lãi suất cho vay. Trong đó, LPBank cũng vừa tuyên bố giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với cá nhân vay tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ và đặc biệt khách hàng sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng ì ạch.
Nguyên nhân chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu, nhưng một phần cũng do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra, đặc biệt là yêu cầu về tài sản đảm bảo do doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo cho các khoản vay mới cho dù đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cũng nên “cởi mở”, linh hoạt hơn với các điều kiện tín dụng. Theo đó, các ngân hàng nên đẩy mạnh cho vay tín chấp hoặc cho vay dựa trên dòng tiền…, thay vì chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo.
>>Đề xuất gộp gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội do chậm giải ngân
Hiện nay, các doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất nên không mặn mà vay vốn cho dù lãi suất có giảm sâu hơn nữa. Có nghĩa “nút thắt” lớn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là đầu ra sản phẩm, và khi đầu ra được khơi thông, sản xuất phục hồi thì nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên để tháo gỡ “nút thắt” này, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó vì nhu cầu toàn cầu suy giảm, cần dựa nhiều hơn vào thị trường nội địa. Muốn vậy, các giải pháp chính sách cần tập trung vào kích cầu nội địa như giảm thuế, phí, lệ phí...
TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam, cho rằng đầu tư công và tiêu dùng trong nước là những yếu tố nằm trong nội lực trong nước mà chúng ta chủ động được, do đó nếu nỗ lực duy trì được tốt thì sẽ giúp bù đắp một phần cho những suy giảm của xuất khẩu.
Một giải pháp nữa cũng được các chuyên gia khuyến nghị, đó là thúc đẩy du lịch, đặc biệt là thu hút du khách quốc tế bởi đây chính là giải pháp để thúc đẩy “xuất khẩu tại chỗ”.
Có thể bạn quan tâm
VIB ký hợp đồng vay mới với IFC, nâng tổng hạn mức tín dụng lên 450 triệu USD
05:15, 15/06/2023
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Cần khung pháp lý cho mô hình tập đoàn tài chính
04:00, 15/06/2023
Vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa được giải ngân?
03:32, 14/06/2023
Doanh nghiệp địa ốc chờ vốn tín dụng
01:23, 14/06/2023