Mặc dù được gỡ vướng huy động trái phiếu, song các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vẫn đang trông vào vốn tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành thấp.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có nguy cơ "ế"
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đến hết tháng 4/2023, tốc độ tăng của tín dụng kinh doanh BĐS rất cao (9,78%) trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24%. Như vậy, tín dụng vào BĐS cao gấp 3 lần so với tín dụng chung.
Thống kê từ WiGroup cho thấy, trong quý 1/2023, các doanh nghiệp BĐS dân cư tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt qua kênh trái phiếu. Điều này phản ánh qua tỷ lệ đóng góp từ kênh trái phiếu trong cơ cấu nguồn vốn vay dài hạn của các doanh nghiệp BĐS dân cư chiếm tới hơn 60% (cuối năm 2021).
Tuy vậy, trước các biện pháp kiểm soát chặt từ chính phủ thì đến quý 1/2023, con số này đã sụt giảm về mức 28%. Ngược lại, tỷ trọng vay ngân hàng đã tăng từ 24% (2021) lên 31% (2022) và đến quý I/2023 là 42%. Như vậy, có thể nói vay ngân hàng đang trở thành kênh huy động chính của doanh nghiệp BĐS.
Tại một hội nghị ở TP.HCM, Thống đốc NHNN tiếp tục khẳng định: Không ai cấm các ngân hàng không cho vay BĐS. Tuy nhiên, các TCTD là những doanh nghiệp đặc thù, có rủi ro, nên phải được đảm bảo an toàn dưới sự kiểm soát của NHNN. Do đó, NHNN phải ban hành các quy định tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo bất kỳ khi nào người dân rút tiền đều phải có để chi trả.
“Các lĩnh vực, phân khúc, đối tượng phù hợp chuẩn tín dụng, có khả năng trả nợ thì ngân hàng mới cho vay. Ngân hàng tiếp tục linh hoạt nhưng cũng mong các dự án phải đảm bảo pháp lý thì mới có thể xem xét”, Thống đốc cho biết.
Theo một chuyên gia, sự trở lại của tín dụng dành cho BĐS trong bối cảnh hiện nay, là điều tích cực. Bởi có nhiều dự án dở dang có khả năng được triển khai. Khi có vốn tín dụng “rót thêm”, cơ hội đưa dự án vào thương mại, giảm bớt tồn kho và dở dang, thúc đẩy bán hàng… sẽ là nguồn lực giúp doanh nghiệp giảm áp lực, vực dậy dần thị trường BĐS. Tuy nhiên, để vốn tín dụng đạt hiệu quả, theo chuyên gia, cần xem xét chính sách giảm lãi suất cho người vay mua nhà kỳ hạn dài, thúc đẩy cầu BĐS còn yếu.
Có thể bạn quan tâm