Tùy theo vị thế và giai đoạn phát triển, các doanh nghiệp có thể xây dựng một chiến lược huy động vốn khác nhau cho doanh nghiệp của mình.
Trên cả nước hiện nay có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp, nhưng chiếm tới 98% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), và có đến 70% các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, dưới 10 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có lợi nhuận cũng chỉ chiếm từ 30-40%. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chưa có quy mô đủ lớn và ổn định để có thể tiếp cận vốn ngân hàng một cách hiệu quả.
Tùy theo vị thế và giai đoạn phát triển, các doanh nghiệp có thể xây dựng một chiến lược huy động vốn khác nhau cho doanh nghiệp của mình.
Giai đoạn thứ nhất, khi các doanh nghiệp vẫn còn ở giai đoạn hạt giống, phần lớn các doanh nghiệp đều sẽ có doanh thu thấp và lợi nhuận âm, nên sẽ rất khó để đi vay vốn từ ngân hàng. Do đó, những nhà đầu tư ở trong giai đoạn này thường sẽ là những nhà đầu tư thiên thần. Họ là những nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và sẽ đầu tư từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, với kỳ vọng đầu tư 10 doanh nghiệp thì sẽ có 1-2 doanh nghiệp thành công.
Giai đoạn tiếp theo, khi các doanh nghiệp ở giai đoạn bắt đầu có doanh thu ổn định và lợi nhuận dương, thì có thể tiếp cận đến các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nhà đầu tư, các quỹ vừa để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn, đồng thời sẽ nhận thêm sự hỗ trợ thông qua các hệ sinh thái của các quỹ đầu tư, giúp các doanh nghiệp kết nối, bán hàng cũng như việc quản lý doanh nghiệp tốt hơn từ chính kinh nghiệm của họ.
Ở trong giai đoạn này, nếu làm đúng, nhiều doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận với các nhà đầu tư lớn và chấp nhận bán doanh nghiệp của mình, để người khác quản lý doanh nghiệp, và chấp nhận trở thành người tư vấn, người đi cùng, song hành cùng doanh nghiệp, thay vì là người "đứng mũi chịu sào".
Giai đoạn cuối cùng là doanh nghiệp đã phát triển thành doanh nghiệp đại chúng. Giai đoạn này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nhiều nguồn vốn khác nhau trên thị trường, từ người dân, đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng tương tự như việc bán hàng. Điều quan trọng và cốt lõi nhất chính là nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp. Mô hình kinh doanh phải bền vững, có khả năng nhân rộng và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được các lợi thế cạnh tranh trong dài hạn như thương hiệu, công nghệ…nếu không có các yếu tố này, các doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.