Kiềm chế lạm phát để ổn định mức sống người dân

Vũ Vinh Phú – Chuyên gia kinh tế 01/07/2019 03:19

Tổng Cục Thống kê thông báo số liệu tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2019, trong đó CPI 6 tháng đã tăng 2,64% so với cùng kì năm trước.

Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu nămp/tăng 1,87% so với cùng kì năm trước cũng phần nào phản ảnh việc điều hành chính sách tiền tệ khá ổn định ở thị trường tài chính nước ta.

Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,87% so với cùng kì năm trước cũng phần nào phản ảnh việc điều hành chính sách tiền tệ khá ổn định ở thị trường tài chính nước ta.

Đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Riêng CPI của tháng 6 giảm 0,09% so với tháng 5, nhưng tăng 1,41% so với tháng 12 năm 2018 và tăng 2,16% so với cùng kì năm trước. CPI của tháng 6 giảm là do việc điều hành kinh tế vĩ mô có chiều hướng tích cực, nền kinh tế phát triển khá ổn định, dư luận tiếp tục ghi nhận việc nỗ lực kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra từ đầu năm là dưới 4%.

Nền kinh tế phát triển ổn định

Việc điều hành một số giá cả là đầu vào của xã hội có những tiến bộ hơn so với những thời kì trước. Nguồn cung mặt hàng gạo và một số loại hàng hóa thiết yếu tương đối dồi dào, đảm bảo phục vụ thị trường với giá cả hợp lý và chấp nhận được.

Có thể bạn quan tâm

  • Lạm phát: Xăng dầu vẫn là ẩn số

    Lạm phát: Xăng dầu vẫn là ẩn số

    08:16, 28/06/2019

  • Tăng giá các mặt hàng xăng dầu, điện:p/Nguy cơ lạm phát?

    Tăng giá các mặt hàng xăng dầu, điện: Nguy cơ lạm phát?

    14:21, 09/05/2019

  • Lạm phát biến động thế nào khi giá xăng, điện tăng?

    Lạm phát biến động thế nào khi giá xăng, điện tăng?

    08:49, 04/05/2019

  • Cẩn trọng với lạm phát

    Cẩn trọng với lạm phát

    10:45, 17/04/2019

Riêng về giá xăng dầu, trong 6 tháng qua, mặc dù phụ thuộc vào biến động tăng giảm của giá thế giới, song việc điều hành trong kì tương đối suôn sẻ, giá xăng dầu trong 6 tháng đã tăng 4 đợt, giảm 4 đợt và 4 đợt giữ ổn định. Tính chung trong kì, chỉ số giá mặt hàng xăng dầu giảm 3,55% so với cùng kì năm trước, góp phần làm giảm CPI chung 0,15%.

Tại thành phố HCM, đã điều chỉnh giảm mức học phí cho các cháu ở nhà trẻ, học sinh trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở tại các trường công lập trên địa bàn, đã góp phần kéo theo chỉ số giá nhóm giáo dục cả nước giảm 0,55% trong tháng 2/2019. Góp phần làm giảm CPI chung 0,03%.

Dịch vụ y tế bình quân 6 tháng đầu năm giảm 0,03% so với tháng 12/2018 cũng góp phần làm cho CPI giảm trong kì. Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng 5 và tăng 1,96% so với cùng kì, trong 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 1,87% so với cùng kì năm trước. Tính chung trong 6 tháng qua, lạm phát chung có mức tăng cao hơn mức lạm phát cơ bản, điều này cho ta thấy biến động giá chủ yếu là việc tăng giá của xăng dầu, điện, và một số nhóm lương thực thực phẩm.

Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,87% so với cùng kì năm trước cũng phần nào phản ảnh việc điều hành chính sách tiền tệ khá ổn định ở thị trường tài chính nước ta. Đi sâu vào phân tích diễn biến CPI của 6 tháng cho ta thấy, ngoài những thành công của việc kiềm chế lạm phát ở một mức hợp lý trong 1 điều kiện còn khó khăn do kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, giá cả có xu hướng tăng trở lại, các yếu tố rủi ro và thách thức gia tăng hơn so với năm trước và những thời kì trước đây. Đặc biệt nổi lên là những căng thẳng về cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa tới hồi kết thúc làm cho niềm tin kinh doanh toàn cầu bị giảm sút.

Quỹ Tiền tệ Quốc Tế IMF nhận định: “Kinh tế toàn cầu phải đối phó với những bất trắc cao khi mà 70% các nền kinh tế trên thế giới chủ yếu ở các nước phát triển đang tăng trưởng chậm lại, hoạt động thương mại của nhiều quốc gia có nhiều biến động. Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam cũng không nằm ngoài những xu hướng biến động đó, do vậy khi có những biến động lớn thì chắc chắn sẽ có tác động vào nền kinh tế của Việt Nam, cả chiều hướng tích cực và tiêu cực”.

Về tình hình kinh tế trong nước, nổi lên là dịch tả lợn Châu Phi đã phát tán nhanh ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước trong 1 thời gian ngắn với thiệt hại về đầu lợn hàng triệu con và kinh phí hàng nghìn tỷ đồng trong xử lý và phòng chống dịch. Giá thịt lợn trong nước bị suy giảm mạnh, mang lại những bất lợi cho người chăn nuôi. Dịch bệnh lợn dự báo còn có tác hại và ảnh hưởng lâu dài cho chăn nuôi Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đặc biệt là giá cả thực phẩm cuối năm.

Việc các hộ chăn nuôi chuyển đổi sang các vật nuôi khác để thay thế như bò, gia cầm, đều mới ở bước ban đầu. Điều quan trọng là đảm bảo các yếu tố vững chắc cho sự đổi mới này còn khó khăn như điều kiện của chăn nuôi, đầu ra của các sản phẩm thay thế đó còn chưa được ổn định. Có những địa phương ngan vịt đã đến kì xuất chuồng nhưng chưa có thương lái hỏi mua. Bài toán đầu ra của những vật nuôi thay thế chưa có lời giải đáp một cách chắc chắn, không cẩn thận lại tiếp tục phải “giải cứu”!

Về giá cả và thị trường trong 6 tháng qua, không thể không đề cập đến giá của một số mặt hàng thiết yếu, và là đầu vào của toàn xã hội, như điện và xăng dầu, thời gian qua đã có những phản ứng khá mạnh mẽ của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và người tiêu dùng về việc điều chỉnh giá 2 mặt hàng này.

Về giá điện, Chính phủ cho phép tăng bình quân 8,36% nhưng thực tế không phải hoàn toàn như vậy bởi hóa đơn tiền điện của khá nhiều hộ đã tăng 15%, 20% thậm chí 30% so với tháng chưa điều chỉnh giá điện dù lượng điện tiêu thụ của một số hộ khiếu nại không có những biến động lớn. Việc duy trì 6 bậc thang lũy tiến đã thực hiện nhiều năm trước đây là không còn phù hợp, cần chỉnh sửa lại, bởi một khi thu nhập đời sống tăng lên thì mức tiêu thụ điện bình quân ở mức trung bình của các hộ phải dao động ở khung lũy tiến 150 kwh đến 250 kwh là phổ biến.

Chính phủ đã chỉ đạo ngành điện phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc, ngoài ra việc minh bạch các khoản chi phí đầu vào, chi phí chuyển tải, bán buôn, bán lẻ điện của ngành này còn yếu tố độc quyền vẫn chưa được công khai chi tiết đầy đủ. Mức độ cải thiện năng suất lao động còn chậm, thu nhập của cán bộ công nhân viên và các khoản đầu tư ngoài ngành khoảng 5 tỷ USD hiệu quả ra sao vẫn chưa được giải trình một cách kịp thời và đầy đủ.

Về giá xăng dầu, mặc dù Nghị định 83 CP, chu kì để tính giá 15 ngày/lần tuy có tiến bộ hơn trước, nhưng xăng dầu vẫn là một ngành đang thống lĩnh thị trường, vì vậy minh bạch các chi phí là một điều hết sức cần thiết. Quỹ bình ổn là tiền của người dân bỏ ra cho hoạt động của ngành xăng dầu, tuy nhiên việc chi tiêu hiệu quả ra sao vẫn chưa được công bố đầy đủ; Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam gần đây cũng kiến nghị bỏ quỹ bình ổn vì thấy bất hợp lý và hiệu quả thấp.

Ngành xăng dầu là ngành duy nhất ở Việt Nam kinh doanh lại có lợi nhuận định mức, được hình thành trong giá cơ sở, đó là điều mà các ngành khác không có được, họ phải bươn trải kinh doanh và lời ăn lỗ chịu; chính điều này đã tạo ra sự ỷ lại cho ngành xăng dầu, vì họ kinh doanh lúc nào cũng có lãi!

Trong tình hình hiện nay, rất cần có thêm những nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ như ngành Bưu chính viễn thông, chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi tốt hơn như tình hình hiện nay.  Rất mừng là Việt Nam đã có một vài cây xăng của Nhật Bản, song điều đó là chưa đủ.

Còn một điều nữa cần nói về xăng dầu, đó là trước đây, khi chúng ta chưa có 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn thì còn phụ thuộc vào xăng dầu thế giới, ngày nay chúng ta đã tự sản xuất được 60% - 70% nhu cầu trong nước, vậy tại sao không nghĩ đến dự trữ chiến lược mặt hàng này để chủ động hơn trong việc điều hành giá cả ở thị trường. Về chất lượng kinh doanh xăng dầu, qua vụ Trịnh Sướng pha chế và tiêu thụ bất hợp pháp hàng triệu lít ở thị trường nhiều năm mới bị phát hiện cho ta thấy công tác quản lý chất lượng xăng dầu bị buông lỏng khá nghiêm trọng, làm thiệt hại vật chất, sự an toàn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vận tải và của người tiêu dùng xã hội.

Vụ việc này rồi đây sẽ bị xử lý, song điều quan trọng là phải rút ra những bài học kinh nghiệm của những “chuyện đã rồi”. Ngoài vụ Trịnh Sướng, trước đây đã từng có những vụ việc như Khaisilk, Nhật Cường, … cho ta thấy có sở hở trong quản lý và bộc lộ những yếu kém về công tác quản lý thị trường, và vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Về giá các mặt hàng thiết yếu cũng có những điều cần phải phân tích thêm. Với mặt hàng thịt lợn, khi có dịch xảy ra ở các địa phương, mặc dù giá thịt lợn hơi giảm đến 30% - 40% song giá cả thịt lợn bán lẻ ở các chợ dân sinh giảm không đáng kể. Thịt lợn ở một số siêu thị lại đứng yên hoặc tăng lên 10 – 15% , thậm chí 20%? Tại sao lại có những hiện tượng bất hợp lý và trái quy luật về giá cả như vậy?

Chúng ta chưa có một đợt phúc tra nào đối với giá bán lẻ thịt lợn trong những đợt dịch vừa qua. Câu trả lời xin dành cho cơ quan quản lý thị trường giá cả ở các địa phương. Về hệ thống phân phối quốc gia, trong một hai năm gần đây và 5 tháng đầu năm 2019, tiếp tục nhiều cuộc mua bán sát nhập liên doanh liên kết được thực hiện, kể cả đối với các doanh nghiệp trong nước và FDI.

Kết quả của những phi vụ trên đã hình thành những tập đoàn bán lẻ có sức mạnh dần dần chi phối thị trường tiêu dùng ở Việt Nam. Những doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài, phải chấp nhận phá sản hoặc sát nhập. Đó là quy luật tất yếu và là kết quả của sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng gay gắt, quyết liệt, có cả sự đào thải và phát triển. Trong đó những đơn vị có tiềm lực về mọi mặt, xây dựng được thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng, làm ăn có mối quan hệ tử tế, trách nhiệm, có văn hóa sẽ phát triển một cách vững chắc, kể cả bán hàng trực tiếp và online.

Cần chính sách thiết thực cho doanh nghiệp

Thị trường nội địa Việt Nam nổi lên, Saigon Coop, Vingroup với các chuỗi TTTM, siêu thị, cửa hàng tự chọn của mình đang trên đà phát triển nhanh và vững chắc, góp phần thúc đẩy sản xuất có chất lượng và kích thích tiêu dùng xã hội. Cần nhân rộng những mô hình làm ăn tử tế, có trách nhiệm trên thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu bán lẻ Việt Nam và ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tương lai, các doanh nghiệp Việt muốn tồn tại phải chấp nhận cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ, ngành cần có những chính sách thiết thực hợp lý để khuyến khích những doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Mặt khác cần xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật kinh doanh của những doanh nghiệp, tổ chức cá nhân làm ăn không minh bạch, chụp giật, trốn thuế, sản xuất và kinh doanh hàng giả.

Về dự báo giá cả 6 tháng cuối năm và cả năm 2019, trong điều kiện phức tạp của địa chính trị thế giới, kinh tế thế giới còn có những khó khăn diễn ra chưa có điểm dừng thì sự phát triển của nội lực trong nước là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần chấp nhận để vượt qua những biến động bất lợi này. Phải coi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là những tế bào cho sự phát triển của đất nước, tiếp tục duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, giữ vững chính sách tiền tệ ổn định. Điều quan trọng là khơi dậy được sức mạnh nội lực của toàn dân và doanh nghiệp, điều hành giá cả trong những giai đoạn này cần chú ý việc cân đối các quan hệ tiền – hàng, cung cầu hàng hóa, có chính sách phát triển sản xuất, tạo ra quỹ hàng hóa dồi dào, có sức cạnh tranh cao ngay ở thị trường nội địa, đi đôi với đó cần phát triển hệ thống phân phối vững mạnh, hiệu quả, luôn luôn gắn chặt giữa sản xuất và phân phối để phục vụ tiêu dùng xã hội.

Việt Nam cần có những tập đoàn bán lẻ mạnh, có thương hiệu bền vững, tạo niềm tin cho nhà sản xuất, nhà cung ứng hàng hóa và người tiêu dùng. Hiện nay những tác động của giá điện, xăng dầu và các loại hàng hóa dịch vụ khác đang ngấm dần vào giá cả những mặt hàng thiết yếu của các gia đình. Đời sống của nhân dân có được cải thiện hay không chính là việc kiềm chế thành công lạm phát theo mục tiêu đã định, đi đôi với nâng cao thu nhập của người lao động.

Theo đánh giá của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lương của công nhân lao động Việt Nam chưa đủ sống, nếu giá cả thị trường có tốc độ tăng nhanh hơn tiền lương được điều chỉnh thì đời sống của họ sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Việc này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành tập trung chăm lo mức sống ngày một cải thiện cho người lao động, một tài sản quý giá nhất của đất nước, điều mong muốn rất đơn giản mà bản thân họ - những người lao động không thể tự vượt qua được, mặc dù đã có nhiều cố gắng.

Làm được như vậy, chắc chắn nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2019 sẽ đạt được, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội, ổn định và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân trong năm 2019 và những năm tiếp theo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiềm chế lạm phát để ổn định mức sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO