Giá nhiều mặt hàng thiết yếu như giá điện, xăng dầu tăng cao trong thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm và cả năm 2019.
Nguy cơ lạm phát
Báo cáo kinh tế vĩ mô được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát hành mới đây nhận xét, lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Như vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, trước tình trạng giá xăng dầu, giá điện, vàng… liên tục tăng thời gian qua, phải tiếp tục theo dõi để có các biện pháp phù hợp hơn nhằm ổn định lãi suất, tỷ giá, mặt bằng giá trong các tháng cuối năm.
Việc ổn định mặt bằng giá được nhận định sẽ không dễ dàng khi giá điện vừa được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019. Mặc dù tính toán của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Thống kê cho thấy tác động của tăng giá điện lên mặt bằng giá không quá lớn nhưng không thể tránh việc nhiều mặt hàng cũng tăng giá sau khi giá điện tăng. Chưa kể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng cuối năm có thể tiếp tục chịu áp lực tăng từ các yếu tố như điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (dịch vụ y tế, giáo dục...), tăng lương tối thiểu vùng, bất định về giá xăng dầu thế giới…
Có thể bạn quan tâm
08:49, 04/05/2019
10:45, 17/04/2019
00:00, 12/04/2019
11:12, 05/04/2019
Đồng ý kiến, báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) công bố mới đây cho rằng, CPI quý I chưa phản ánh việc giá điện tăng mạnh tới 8,36% từ ngày 20/3 mà những tháng tới, việc tăng giá này mới “ngấm”. Theo kịch bản mà tổ chức này đưa ra, lạm phát của năm 2019 trong quý II là 2,78%, quý III 3,26%, quý IV 4,2%. Với các con số dự kiến trên, lạm phát cả năm 2019 khoảng 3,2%.
Trước mắt, theo Nhóm nghiên cứu về giá, trong tháng 4, bên cạnh giá xăng tăng mạnh 2 lần, cộng với độ trễ của giá điện tăng được phản ánh vào, thì một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá, như thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa nóng, cùng với việc có 2 kỳ nghỉ lễ là Giỗ Tổ Hùng Vương và ngày 30/4, 1/5 nên theo quy luật hàng năm, giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình… có thể tăng nhẹ. Chưa kể, giá xăng liên tục tăng sau 3 kỳ điều hành vừa qua cũng sẽ tác động đến mặt bằng giá cả trong nước.
Bình ổn thị trường
Để đảm bảo ổn định cung cầu, tránh sự biến động của mặt bằng giá, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 4, cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang có biến động nhiều về cung cầu như thịt lợn, lương thực (nhu cầu xuất khẩu đang yếu trong khi nguồn cung tăng do bước vào vụ thu hoạch); các mặt hàng có nhu cầu tăng cao theo quy luật hàng năm.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp điều hành cung - cầu, không để xảy ra biến động lớn đối với mặt hàng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới, có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý, bình ổn trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất, kinh doanh điện theo quy định.
Đối với mặt hàng xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiếp tục chú trọng đảm bảo an ninh năng lượng, điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới, kết hợp với việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá... để giá không tăng quá cao, tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
“Các địa phương cũng đang tích cực triển khai các chương trình bình ổn thị trường, góp phần cùng giảm thiểu áp lực lên lạm phát” - ông Trần Duy Đông cho hay.
Đơn cử, dù không phải là thời điểm Tết nhưng mới đây, TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2019. Theo đó, có 79 đơn vị tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường, gồm 38 doanh nghiệp lương thực, thực phẩm; 11 doanh nghiệp mùa khai giảng, 4 doanh nghiệp sữa, 14 doanh nghiệp dược, 12 tổ chức tín dụng.
Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực - thực phẩm có 10 nhóm mặt hàng gồm lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị.
Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25- 30% nhu cầu thị trường trong các tháng thường và từ 30- 40% nhu cầu thị trường trong các tháng tết với lượng hàng cung ứng mỗi tháng khoảng 2.553,8 tấn lương thực; 47,97 triệu quả trứng gia cầm 1.345 tấn đường; 485,9 tấn thực phẩm chế biến; 715 tấn dầu ăn; 4.930 tấn rau củ quả; 9.062 tấn thịt gia cầm…
Các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35- 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Các mặt hàng sữa lượng hàng tham gia bình ổn thị trường 1.455,6 tấn/năm (121,3 tấn/tháng) và 1,2 triệu lít sữa nước/năm (100.039,6 lít/tháng). Các mặt hàng dược phẩm, lượng hàng hóa thực hiện chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng trong năm 2019.
Về phía các doanh nghiệp, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho hay, tại các hệ thống siêu thị của hiệp hội, hàng hóa dồi dào, giá cả được duy trì ổn định, đảm bảo không thiếu hàng sốt giá, không có tình trạng “tát nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý.