KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” cần linh hoạt

GIA NGUYỄN 25/09/2021 13:20

Liên quan đến Dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”, các Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, nội dung dự thảo chưa có sự linh hoạt…

Theo các Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Hiệp hội dệt may Việt Nam; Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh; Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Nhựa Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI),… Dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” (Dự thảo) là khá rõ ràng khi đưa ra 5 chỉ tiêu để đánh giá. Tuy nhiên, Dự thảo này còn có một số vấn đề lớn, do chỉ có 1 hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt như Thủ tướng đã chỉ đạo, và nhiều quy định vẫn mang mục tiêu Zero COVID-19 chứ chưa phải là Sống chung với COVID-19 nên chưa phù hợp.

Cụ thể là việc thắt chặt quá mức các vùng dịch, lạm dụng xét nghiệm, kể cả khi đã tiêm đủ vắc xin, dẫn đến tổn hại kinh tế và lãng phí không cần thiết.

Các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” chưa linh hoạt

Các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Dự thảo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” chưa linh hoạt - Ảnh minh họa

Như với chỉ số 1 quy định trong dự thảo (>80% số người >50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin) thì TP. Hồ Chí Minh phải ở cấp độ 4 còn rất lâu (2-3 tháng nữa), sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, trong khi sẽ lãng phí vắc xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm. Nên cho phép những người tiêm đủ được đi làm, và căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU (Hướng dẫn của WHO ngày 14/6/2021 chia ra các mức <75% là đáp ứng đủ, 75-90% là nguy cơ không đủ; và >90% là đáp ứng hạn chế nhưng chưa được dự thảo tính đến) để đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp. 

Cùng với đó khi đã tiêm đủ vắc xin thì việc hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh, hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thông công cộng là không cần thiết. Việc xét nghiệm khi đã tiêm đủ vắc xin là gây tốn kém và không mang lại ích lợi đáng kể.

Ngoài ra, việc bỏ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG là rất đúng, nhưng còn Quyết định số 2787/QĐ-BYT vẫn theo chủ trương “Zero COVID-19”, chưa theo chủ trương mới “Sống chung với COVID-19” nên có nhiều bất cập, cần sửa đổi.

Bên cạnh đó, cũng theo các Hiệp hội, nếu áp dụng ngay bây giờ tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vắc xin sẽ có nguy cơ vỡ trận, do đó cần điều chỉnh chi tiết hơn bởi chúng ta đang có tới 38 tỉnh/thành phố đã và đang kiểm soát tốt dịch nên chưa phải thực hiện hoặc đã dỡ bỏ Chỉ thị 16, bao gồm cả Hà nội. Việc Dự thảo quy định mức dưới hoặc bằng 20 ca mắc mới/100.000 dân/tuần là nhóm nguy cơ thấp khi tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp ở các tỉnh/thành phố này, là không phù hợp với tình hình và khả năng kiểm soát dịch hiện tại, sẽ dẫn đến nguy cơ cao mất kiểm soát như TP. Hồ Chí Minh.

Dự thảo còn được cho chưa theo chủ trương mới “Sống chung với COVID-19” nên có nhiều bất cập, cần sửa đổi - Ảnh minh họa

Dự thảo còn được cho chưa theo chủ trương mới “Sống chung với COVID-19” nên có nhiều bất cập, cần sửa đổi - Ảnh minh họa

Cụ thể, ngưỡng 20 ca/100.000 dân/1 tuần với Hà nội 8 triệu dân tương đương 230 ca mắc mới/ngày. Đợt dịch lần thứ 4 Hà nội có khoảng 50-70 ca mắc mới/ngày mà đã phải mất gần 2 tháng phong tỏa theo Chỉ thị 16 (từ 24/7 đến 21/9) mới cơ bản khống chế được dịch, đưa số ca nhiễm trong ngày xuống dưới 20, đủ để thấy nếu để tới 230 ca mắc mới/ngày mới phong tỏa thì sẽ có nguy cơ cao mất kiểm soát như TP. Hồ Chí Minh (1625 ca/ngày 24/7 mới tiến hành phong tỏa theo Chỉ thị 16)

Ngưỡng dịch lây lan nhanh ở Hà nội là 56-230 ca/ngày, của TP. Hồ Chí Minh là 70-280 ca/ngày, Đà Nẵng là 8-32 ca/ngày. Để trên mức đó là dịch bùng phát sẽ rất khó khống chế.

“Vì vậy, phải có 1 chiến lược riêng trong 1 giai đoạn chuyển tiếp ngắn độ 3-5 tháng cho các tỉnh/thành phố/khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh theo đúng phương châm Phòng chống dịch THEO ĐIỂM, không phong tỏa diện rộng, trước khi mở cửa hoàn toàn để sống chung với dịch khi đã tiêm đủ vắc xin”, các Hiệp hội kiến nghị.

Cũng theo các Hiệp hội, việc chưa đảm bảo giảm được tử vong, do thiếu chỉ tiêu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU cho các ca cần điều trị tích cực (thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn), vỉ vậy, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU nên được đưa thành 1 chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình dịch bệnh. Khi đã tiêm đủ liều vắc xin, thì đếm số ca nhiễm là không cần thiết, mà chỉ cần quan tâm đến tỷ lệ lấp đầy giường bệnh (chỉ tính cho các ca cần thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn) và giường ICU. Cần phải để F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà.

Ngoài ra, nhiều quy định chỉ phù hợp với chủ trương cũ Zero COVID-19, chưa phù hợp với chủ trương “sống chung với dịch”, chưa phù hợp với mức độ phủ vắc xin và năng lực y tế, ảnh hưởng lớn đến kinh tế.

Như Phụ lục 2: Các quy định cách ly (3) cách ly F1 tập trung (4) cách ly y tế tập trung (5) cách ly y tế với người từ vùng khác, ngừng hoạt động với trung tâm thương mại (4(3) và cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng 7 (3) ở vùng cấp 4; III. 2. Điều trị tập trung F0, chỉ điều trị tại nhà trong trường hợp dịch ở Cấp 3, 4; III. 5.1. Cấm người ở vùng dịch 4 đến các vùng khác. 

Theo các Hiệp hội, những quy định này chỉ nên áp dụng trong thời gian chuyển đổi, khi đã sang giai đoạn sống chung với virus, và đã tiêm vắc xin đủ thì tại sao phải sợ F1, F0 (vì đa phần đã tiêm vẵc xin thì mắc cũng chỉ bị nhẹ)? Làm như vậy sẽ rất tốn kém và gây quá tải hệ thống y tế. Các nước châu Âu và Mỹ không làm như vậy.

Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc để F0 điều trị tại nhà và bỏ hẳn việc đưa đi cách ly khi chuyển sang Bình thường mới, cũng như chưa có hướng dẫn về thẻ xanh COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản gặp khó vì cước vận tải tăng

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản gặp khó vì cước vận tải tăng

    12:31, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Nên xem xét mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Nên xem xét mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài

    11:00, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Điều chỉnh giảm phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, KCN

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Điều chỉnh giảm phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, KCN

    11:00, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giảm thủ tục cũng là giúp doanh nghiệp

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giảm thủ tục cũng là giúp doanh nghiệp

    11:00, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Chính sách cấp bách là lưu thông

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Chính sách cấp bách là lưu thông

    11:00, 25/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” cần linh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO