Hướng tới chuyển trạng thái sang giai đoạn bình thường mới, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, xây dựng cơ chế lưu thông hàng hóa…
Theo đó, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị bảo đảm vùng nguyên liệu và nguồn nguyên liệu an toàn cho sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, tổ chức này đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, yêu cầu các tỉnh đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp và kéo dài để không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới, bởi một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này.
Về cơ chế giao lưu hàng hóa, các Bộ: NN&PTNT, Công Thương và Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp để ban hành hướng dẫn thống nhất trong điều hành, đảm quá quá trình giao lưu hàng hóa giữa các địa phương thông thoáng, thuận lợi hơn. Đặc biệt khắc phục tình trạng điều hành giao thông lưu thông hàng hóa đang bị rối loạn mất đồng bộ giữa các địa phương, tạo cát cứ nghiêm trọng trong lưu thông hàng hóa giữa các địa phương và xuất khẩu, vận chuyển Logictics
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng, có sự hợp tác phân công lao động, sản xuất rộng rãi, bất cứ một khâu nào trong sản xuất bị ách tắc thì sẽ kéo theo sự đình trệ sản xuất mang tính dây chuyền. Vì vậy, không thể xác định được chính xác, đầy đủ danh mục gọi là hàng hóa, vật tư nguyên vật liệu sản xuất thiết yếu được, đề nghị Chính phủ chỉ nên quy định danh mục các mặt hàng cấm lưu thông.
Ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai nhanh chóng và đồng bộ giữa các địa phương về hệ thống nhận diện phương tiện (QR Code), tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất; Tăng cường các trạm dừng chân đảm bảo quy định dãn cách để tài xế có thể dừng nghỉ chân giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng kiến nghị về gói hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó, cần phân loại doanh nghiệp thành 3 loại hình để doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả, bao gồm: doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản rồi thì có giải pháp khác; doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động thì có giải pháp khác; và doanh nghiệp đang còn hoat động. Việc hỗ trợ doanh nghiệp theo nguyên tắc doanh nghiệp đang còn hoạt động sẽ được nhận nhiều giải pháp đồng bộ, để được giải cứu đến cùng.
Rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại thuế doanh nghiệp được giảm, giãn, chậm nộp đến 31/12/2021, và lộ trình đến hết tháng 3/2022; Rà soát và quy định chi tiết, đầy đủ các loại phí doanh nghiệp được giảm, giãn, chậm nộp đến 31/12/2021, và lộ trình đến hết tháng 3/2022, kể cả Bảo hiểm xã hội (BHXH), công đoàn, tiền thuê đất, sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh Thông tư 03/2021/TT-NHNN, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ đến hạn ít nhất đến hết Quý I/2022 để giảm áp lực trả nợ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cho phép thời gian cơ cấu nợ kéo dài đến 24 tháng, do ngân hàng nơi cho vay xem xét và quyết định; cho phép cơ cấu nợ cho các khoản vay (dư nợ) phát sinh sau ngày 10/6/2020 (Theo Thông tư 03 quy định thì chỉ cơ cấu cho các khoản vay, dư nợ phát sinh trước 10/6/2020), cơ cấu nợ cho các nghĩa vụ trả nợ đến hạn sau 31/12/2021 (những khoản nợ đến kỳ hạn thanh toán) (Theo Thông tư 03 thì chỉ cơ cấu nợ cho các khoản nợ phải trả trước 31/12/2021 còn sau 31/12 thì Thông tư 03 chưa quy định);
Cùng với đó, về đối tượng tiêm vắc xin, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ y tế nghiên cứu hướng dẫn cho phép phân tầng trong tiêm vacxin, vẫn trên nguyên tắc vắc xin do Nhà nước quản lý, cụ thể:
Đối với người lao động trong doanh nghiệp: Nhà nước cấp vắc xin cho doanh nghiệp theo nhu cầu cần tiêm và cho phép các đơn vị tiêm chủng tư nhân có đủ điều kiện theo quy định của ngành y tế như VNVC tiêm dịch vụ cho doanh nghiệp. Như vậy, sẽ nhanh và giảm gánh nặng cho Nhà nước về chi phí tổ chức tiêm.
Đối với người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền: do các y tế phường xã tiêm, như vậy, sẽ giãn được áp lực nguồn lực y tế do công tác tiêm vacxin, dành nguồn lực y tế cho điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Y tế quy định, hướng dẫn rõ hơn đối tượng lao động được tiếp tục làm việc, sản xuất trong doanh nghiệp. Ví dụ: Doanh nghiệp có ca nhiễm, những đối tượng đã tiêm mũi 1, mũi 2 có tiếp tục làm việc không? Hiện nay, doanh nghiệp có ca nhiễm, lập tức doanh nghiệp bị đóng cửa để tầm soát, như vậy sẽ lãng phí nguồn lực và làm kéo dài dứt gãy hoạt động sản xuất. Đây là một bất cập lớn.
Bộ Y tế xem xét cho phép chương trình xét nghiệm COVID-19 là dịch vụ phi lợi nhuận, do chính phủ điều tiết và giám sát để hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang tuân thủ theo quy định 3 tại chỗ có thể tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng, chi phí hợp lý. Chi phí xét nghiệm cho công nhân của doanh nghiệp được xác định là chi phí hợp lý.
“Ngoài ra, khi có ca nhiễm/nghi nhiễm, Bộ Y tế ban hành quy trình, trong đó có quy định thời gian tối đa về việc giải quyết các vấn đề liên quan để cho phép doanh nghiệp đi vào hoạt động trở lại nhanh nhất như xử lý cách ly đối tượng nhiễm, sàng lọc, khoanh vùng dịch tễ, phối hợp khử khuẩn, diệt trùng nhà máy” Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đề xuất.
Cũng theo tổ chức này, Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tổ chức cách ly F0, F1 ngay tại nhà máy với hỗ trợ của cơ quan y tế địa phương. Trong trường hợp cơ sở của doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện y tế, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng đưa F0 đi điều trị, cách ly F1 để ổn định người lao động, bảo vệ “vùng xanh” cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và chống dịch.
Phối hợp Bộ thông tin truyền thông triển khai ngay nền tảng và quy định cấp hộ chiếu vắc xin, QR code cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và cập nhật ngay các thông tin tiêm vắc xin lên sổ sức khỏe điện tử để xác định cho người lao động vào làm việc được thuận lợi chánh bị chậm chân theo yêu cầu hợp tác sản xuất quốc tế.
Về an sinh xã hội cho người lao động, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ lao động thương binh – Xã hội ban hành bổ sung Nghị quyết trên cơ sở xem xét nâng mức hỗ trợ và kéo dài thời gian hỗ trợ cho các đối tượng 4 và 5, 6,7, 10 theo Nghị Quyết 68/ NQ-CP đến hết năm 2022, cụ thể: Đối tượng nhận chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (1); Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc (2); Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (3); Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em (4); Chính sách hỗ trợ hộ kinh Doanh (5); Cơ quan BHYT giải quyết thanh toán tiền khám chữa bệnh cho người lao động đóng BHXH, BHYT đầy đủ nhưng nay do phải ngừng nghỉ việc nên không tiếp tục đóng BHXH, BHYT, để bớt khó khăn cho người lao động đang bị thất nghiệp (6).
Đối với đối tượng (1),(2),(3) ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cấp tiền cho doanh nghiệp theo danh sách do doanh nghiệp lập và chịu trách nhiệm thực hiện quyết toán, hậu kiểm.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giãn, giảm một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp
06:05, 29/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng chính sách định hướng dòng tiền
06:00, 29/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: cũng đề xuất xã hội hóa sâu việc xây dựng hạ tầng hàng không?
15:41, 28/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất sửa Luật Công đoàn
15:23, 28/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất
06:10, 28/09/2021