Kiến tạo môi trường đầu tư để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh

Diendandoanhnghiep.vn Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Để làm được việc đó, cần sự quyết tâm từ trên xuống dưới và tiên quyết phải từ người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.

Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông Vận Tải: 
Đầu tư hạ tầng giao thông tăng liên kết vùng

Bắc Kạn ưu tiên triển khai đầu tư các công trình mang tính chất trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối với các trung tâm kinh tế, các tỉnh trong vùng kinh tế. Điển hình như tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hay dự án nâng cấp cải tạo QL3B đoạn Xuất Hóa - Cửa khẩu Pò Mã giai đoạn 2...

Theo đó, ngành giao thông xác định mục tiêu phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế lớn. Cùng với đó, ngành phát triển mạng lưới giao thông giữa tỉnh Bắc Kạn với các tỉnh trong khu vực Đông Bắc. Đặc biệt, giao thông phát triển gắn với phát triển du lịch; khai thác, chế biến nông lâm sản và xây dựng nông thôn mới. Ngành chú trọng phát triển kết nối đường trục chính quốc lộ, đường tỉnh với các huyện, các tuyến đường giao thông nông thôn phục vụ phát triển du lịch.

Ông Hoàng Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương:
Minh bạch thông tin, thu hút nhà đầu tư có năng lực

Tỉnh Bắc Kạn hướng đến tập trung phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị gia tăng cao; hướng tới những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn; sử dụng công nghệ cao. Các sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế và lợi thế so sánh của tỉnh về chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng được chú trọng.

Ngoài ra, Sở đang tham mưu thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ nhằm mục đích rà soát lại tổng thể các dự án thủy điện về vị trí tọa độ, công suất lắp đặt của từng dự án, đảm bảo việc vận hành liên hồ chứa một cách hiệu quả.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Sở tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.

Ông Lèng Văn Chiến, Giám đốc Sở Xây dựng: 
Rút ngắn thời gian cấp phép

Để thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng đã tham mưu giảm thời gian thực hiện cấp phép đối với cấp Sở thời gian từ 30 ngày nay giảm xuống còn 20 ngày. Đây là điểm nổi bật trong chính sách về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Việc cải cách thủ tục hành chính này đã tiết kiệm được đáng kể thời gian, công sức và chi phí cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong vấn đề cấp giấy phép xây dựng.

Để thuận lợi và minh bạch trong công tác xúc tiến đầu tư, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công bố công khai rộng rãi các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiếp cận quy hoạch của các nhà đầu tư. Qua đó, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Ông Nguyễn Duy Thể, Cục trưởng Cục Thuế:
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, ngành Thuế đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Ngành luôn chủ động nắm bắt thông tin tình hình hoạt động của người nộp thuế để hỗ trợ một cách tốt nhất. Chủ động gửi văn bản đến các doanh nghiệp để cung cấp những thông tin, dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ, tập huấn cho doanh nghiệp về các chính sách thuế mới, khai thuế, nộp thuế điện tử, kịp thời hỗ trợ giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế...

Hiện nay, ngành thuế đã bỏ và đơn giản hóa được rất nhiều thủ tục không cần thiết, cắt giảm thời gian thực hiện từ 537 giờ xuống chỉ còn dưới 117 giờ. Đặc biệt, các ứng dụng công nghệ thông tin như, dịch vụ thuế điện tử qua đó mọi thủ tục khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, tra cứu thông tin,... đều được thực hiện thuận lợi, trực tuyến nhanh chóng, chính xác giúp cho doanh nghiệp và người dân giảm được rất nhiều thời gian và thủ tục.

Ông Nông Văn Kỳ, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường:
Minh bạch các chỉ số về đất đai

Những năm qua, Sở luôn coi việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định là nhiệm vụ quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Qua đó, Sở cũng thường xuyên rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Qua đó, đã góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Để cải thiện và minh bạch về chỉ số tiếp cân đất đai, Sở đã tổ chức công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công khai bảng giá các loại đất và các quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, tính tiền bồi thường về đất đối với từng công trình, dự án sau đó đăng tải lên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của Sở để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Ông Nông Quang Nhất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Và giải pháp quan trọng giúp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững là tổ chức lại sản xuất, hợp tác liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Việc liên kết giữa các HTX và doanh nghiệp theo quy trình từ sản xuất, chế biến đến xây dựng nhãn hiệu và tiêu thụ hàng hóa nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững là nhu cầu thiết thực. Việc này đòi hỏi các bên phải cùng bắt tay thực hiện trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Hiện nay đã hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với chế biến. Chăn nuôi được phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là các nông sản bản địa đã được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản còn ít, quy mô nhỏ. Việc liên kết giữa các tổ chức, cá nhân còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Công tác bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm từ chuỗi vẫn chưa được đẩy mạnh, gây khó khăn trong xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch

Bắc Kạn là tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: khu du lịch Ba Bể, điểm du lịch di tích lịch sử Nà Tu, khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn..., nhưng do hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế nên giá trị đóng góp của du lịch vào tăng trưởng kinh tế còn thấp.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh đã ban hành Quyết định về việc công bố tuyến đường thủy nội địa địa phương, đồng thời đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Cùng với đó, UBND tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể để xây dựng tuyến đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể. Tỉnh cũng xác định rõ lợi thế và tầm quan trọng của ngành du lịch. Tỉnh sẽ khuyến khích đầu tư các cơ sở vui chơi giải trí - thể thao, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Ông Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Công ty CP Chợ Bắc Kạn:
Nhà đầu tư lớn vào sẽ là cơ hội phát triển dịch vụ, thương mại

Những năm qua, Công ty đầu tư xây dựng các khu chợ loại 2 và loại 3 rất khang trang, đặc biệt chợ Đức Xuân và Chợ Na Rì. Chúng tôi luôn phối hợp các ngành liên quan đảm bảo về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ cũng như bình ổn giá và vệ sinh môi trường sạch đẹp. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động kinh doanh thương mại ở chợ truyền thống gặp không ít khó khăn do tỉnh miền núi, dân cư thưa thớt, ít dự án đầu tư, vắng khách vãng lai; các đoàn kiểm tra, giám sát khá nhiều… Trong khi đó, chợ thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhất là thời điểm dịch bệnh nên tiểu thương, hộ kinh doanh giảm đều khoảng 15 hộ/năm.

Mong rằng, với sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các ngành như hiện nay, cộng thêm chính sách ưu đãi, cơ chế thông thoáng, tới đây Bắc Kạn sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ đó, các chợ truyền thống sẽ có cơ hội tăng trưởng và phát triển.

Ông Nông Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Na Rì:
Địa phương có nhiều lĩnh vực thế mạnh để đầu tư

Với trên 75.000 ha đất lâm nghiệp, huyện Na Rì có tiềm năng về kinh tế nông - lâm nghiệp và được xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, Na Rì đang chú trọng khai thác cả tiềm năng du lịch. Đây là vùng đất của những thắng cảnh đẹp như: Động Nàng Tiên, Thác Nà Đăng, Hồ Khuổi Khe… Hiện nay, huyện đang tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào các điểm du lịch tiềm năng để tạo thành chuỗi sản phẩm thu hút du khách. Cùng với đó, Na Rì khuyến khích phát triển cụm công nghiệp tập trung cho chế biến nông, lâm sản tập trung, tận dụng vùng nguyên liệu sẵn có. Hiện, huyện đang quy hoạch 15ha đất tại thôn Vằng Mười (xã Trần Phú) để mời gọi nhà đầu tư đến tìm hiểu. Với phương châm thành công của doanh nghiệp chính là thành công của huyện, chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư. Huyện sẵn sàng đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư theo quy định pháp luật.

Ông Hoàng Nguyễn Việt, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND huyện Chợ Mới:
Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh

Chợ Mới có quỹ đất lớn, có lợi thế về chăn nuôi đại gia súc và phát triển cây công nghiệp; tài nguyên khoáng sản cũng phong phú để khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng; nhiều di tích lịch sử văn hóa cùng cảnh quan đẹp để phát triển dịch vụ du lịch trên tuyến du lịch quan trọng từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, Cao Bằng…

Huyện là tiểu vùng trung tâm, cửa ngõ phía Nam của tỉnh với hạ tầng giao thông hiện nay khá đồng bộ, tiếp giáp tỉnh Thái Nguyên với lợi thế QL3 mới, QL3B… Đây là lợi thế giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong sản xuất, chế biến và vận chuyển hàng hóa. Hiện, tỉnh đang muốn quy hoạch Chợ Mới trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh. Huyện cùng Ban Quản lý KCN đang giải phóng mặt bằng giai đoạn II KCN Thanh Bình; tỉnh đã Quy hoạch 32ha tại xã Quảng Chu để thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để khai thác thế mạnh nông nghiệp.

Ông Lai, Yen Lieng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất giầy CHUNG JYE Việt Nam: Nguồn lao động tại chỗ khá dồi dào là lợi thế

Qua khảo sát tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Bắc Kạn là tỉnh miền núi, vấn đề vận chuyển hàng hoá từ cảng về nhà máy gần 400km chắc chắc chi phí vận chuyển sẽ tăng lên. Thế nhưng đổi lại, đây là địa phương có dân số đông và hiện tại chưa phát triển công nghiệp nên việc thu hút lao động tại địa phương sẽ thuận lợi hơn.

Hiện, để đảm bảo đơn hàng và nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty TNHH sản xuất giầy CHUNG JYE Việt Nam đang xin làm chủ đầu tư của Cụm Công nghiệp Huyền Tụng (TP.Bắc Kạn) với tổng diện tích 10ha, tổng mức đầu tư hơn 133 tỷ đồng. CCN này khi hoàn thành sẽ thu hút từ khoảng 5000 lao động địa phương.

Chúng tôi hy vong sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành để Công ty sớm nhận được mặt bằng để triển khai xây dựng và đưa dự án vào sản xuất theo đúng tiến độ cam kết.

Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki:
Hướng đến xuất khẩu nông sản trên địa bàn ổn định, lâu dài

Năm 2019 là năm thứ 2 doanh nghiệp đi vào hoạt động nhưng là năm khởi đầu quan trọng của doanh nghiệp với việc hoàn thiện hạ tầng, bước đầu tạo vùng nguyên liệu của các sản phẩm nông sản như mơ, gừng, rau cải, củ kiệu… và được các đối tác, khách hàng Nhật Bản quan tâm, hợp tác, ký kết hợp đồng. Quan trọng hơn, người nông dân, các HTX trong tỉnh yên tâm về đầu ra với những loại nông sản mà công ty đã ký kết bao tiêu.
Hiện nay, doanh nghiệp đang thu mua hàng nghìn tấn mơ, gừng, rau cải /năm, đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương. Năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm một số sản phẩm mới như măng, lá tía tô, lá hồng, mở rộng vùng nguyên liệu (gừng, kiệu) tại một số địa phương trong tỉnh nhằm đa dạng hàng hóa, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và người nông dân Bắc Kạn.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, các sở,ban, ngành, địa phương đã rất quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động. Chúng tôi mong thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc tạo vùng nguyên liệu, hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người nông dân để sản xuất ra các sản phẩm nông sản đảm bảo về số lượng, chất lượng, giá thành cạnh tranh với các nước trong khu vực để việc xuất khẩu nông sản trên địa bàn được ổn định, lâu dài.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Kiến tạo môi trường đầu tư để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713485295 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713485295 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10