Kiến tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp “sống khoẻ”

Khắc Lãng thực hiện 10/08/2018 16:37

Sở dĩ Kiên Giang trở thành “bến đỗ” của nhiều dự án quy mô lớn là nhờ chính quyền tỉnh này luôn chú trọng,

nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, mang đến những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Đây cũng chính là quyết tâm chính trị lớn của Kiên Giang trong thời gian tới. Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xung quanh vấn đề này.Đây cũng chính là quyết tâm chính trị lớn của Kiên Giang trong thời gian tới. Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xung quanh vấn đề này.

Năm 2017, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Kiên Giang đạt 63,65 điểm, tăng 2,84 điểm so với năm 2016, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành và xếp vị trí 6/13 tỉnh khu vực ĐBSCL, nằm trong top khá, tuy nhiên vẫn giảm 7 bậc so với năm 2016.

- Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến PCI của Kiên Giang giảm 7 bậc so với năm 2016?

Sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố PCI năm 2017, Kiên Giang đã tổ chức hội nghị phân tích đánh giá 10 chỉ số PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Qua rà soát các tiêu chí với những lĩnh vực liên quan cho thấy, tổng điểm PCI của Kiên Giang tăng nhưng tăng chậm hơn so với một số tỉnh thành cả nước, qua đó phản ánh rất rõ sự phấn đấu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh đạo các sở ngành, huyện, thành phố, thị xã... chưa mang tính quyết liệt cao, đặc biệt là việc cải cách hành chính (CCHC).

- Để có môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập, theo ông đâu là rào cản cần khơi thông?

Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là cần tạo được môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Hiện nay đa phần các doanh nghiệp cả nước nói chung, Kiên Giang nói riêng có nhiều vướng mắc ở đất đai. Thực tế, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, nhưng điều khiến tôi trăn trở là thủ tục đầu tư hiện nay còn nhiều vấn đề. Luật đầu tư đơn giản về thủ tục nhưng các luật khác không như vậy. Ví dụ như các dự án đầu tư đều liên quan đến đất đai. Nếu doanh nghiệp lựa chọn được vị trí kinh doanh nhưng theo quy hoạch lại không phù hợp. Khi đó, doanh nghiệp mất thời gian chờ điều chỉnh quy hoạch, sau đó mới cho chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, Luật đầu tư không bắt buộc phải yêu cầu chứng minh năng lực tài chính, nhưng Luật đất đai quy định nếu doanh nghiệp đầu tư có sử dụng đất thì phải chứng minh được nguồn vốn đầu tư đạt ít nhất 20% vốn chủ sở hữu. Ngoài Luật đầu tư, các nhà đầu tư còn phải đáp ứng các quy định tại nhiều luật khác: Luật đất đai, Luật xây dựng, quy hoạch... Do đó, hiểu được luật và các văn bản hướng dẫn là cả vấn đề đối với doanh nghiệp.

br class=

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Tỉnh Kiên Giang phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến đối thoại doanh nghiệp tại Huyện Hòn Đất

- Thay vì khảo sát bằng phương pháp gửi phiếu để doanh nghiệp đánh giá về sự phục vụ của chính quyền (DDCI), ngoài việc gặp mặt đối thoại doanh nghiệp 4 lần/năm, Kiên Giang còn tổ chức tại các huyện. Phải chăng đây là một trong giải pháp mới của Kiên Giang trong việc phục vụ doanh nghiệp?

Mặc dù mấy năm gần đây, Kiên Giang đã tổ chức đối thoại doanh nghiệp 4 lần/năm, nhưng khi đánh giá lại hiệu quả sau đối thoại thấy chưa đạt yêu cầu như mong muốn của tỉnh. Do đó, Kiên Giang đổi mới một bước nữa là đề nghị các đơn vị đối thoại tại các huyện thị để tiếp cận doanh nghiệp được nhiều hơn, qua đó báo cáo UBND tỉnh xử lý nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Điều khiến tôi phân vân là việc tổ chức đối thoại, nếu có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các sở có khiến các doanh nghiệp không dám nói thẳng nói thật hay không. Bởi nhiều doanh nghiệp ngại va chạm, họ e ngại hoạt động sản xuất kinh doanh của họ bị ảnh hưởng.

  Kiên Giang đổi mới một bước nữa là đề nghị các đơn vị đối thoại tại các huyện thị để tiếp cận doanh nghiệp được nhiều hơn, qua đó báo cáo UBND tỉnh xử lý nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Tôi dự kiến sẽ tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, xem thực tế hiệu quả ra sao để nắm bắt được mong muốn của doanh nghiệp và chỉ đạo tốt hơn. Bởi khi chia sẻ riêng với lãnh đạo tỉnh về vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến sở ngành nào đó sẽ được thoải mái hơn... và khi đó hiệu quả xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp cũng cao hơn.

- Như vậy, lãnh đạo tỉnh thực sự là điểm tựa của doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Quan điểm của tôi khi xử lý, thực thi chính sách luôn đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để thực hiện. Nếu đặt mình vào vị trí đó thì mình sẽ giải quyết tốt hơn những vấn đề của doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng các cấp lãnh đạo của các sở ngành, huyện thị, thành phố đều suy nghĩ như vậy thì “sự nghiệp” phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả tốt.

Trong quá trình hoạt động, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp mới thành lập chưa hiểu hết được là đi từ đâu, từ vấn đề gì?... Điều này cần đòi hỏi có một nơi hỗ trợ cho những doanh nghiệp như vậy. Và lúc này, vai trò hiệp hội doanh nghiệp rất quan trọng. Hiệp hội mạnh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn.

Theo tôi, đây là giai đoạn khó khăn cho những doanh nghiệp mới thành lập. Còn những doanh nghiệp đã hoạt động theo chu kỳ có lúc phát triển mạnh, có lúc chững lại hoặc kém theo hình sin. Nếu phát triển tới đỉnh, doanh nghiệp tiếp tục tái cấu trúc lại sẽ phát triển vòng đời mới. Song quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp rất cần hỗ trợ của Nhà nước. Chính vậy, vai trò phục vụ doanh nghiệp của chính quyền rất quan trọng.

- Để cải thiện chỉ số PCI 2018, Kiên Giang đã có giải pháp căn cơ gì, thưa ông?

Về việc CCHC, tôi nghĩ công cụ quan trọng nhất đóng vai trò then chốt và quyết định là Chính phủ điện tử. Với Cách mạng công nghiệp 4.0, thì công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì thế năm 2018, một trong những giải pháp căn cơ mà chúng tôi đặt ra là việc thành lập Trung tâm hành chính công.

Hiện nay chúng tôi đang điều chỉnh lại đề án để phù hợp với chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, dự kiến quý III Kiên Giang sẽ đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu góp phần CCHC tốt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân không phải đi lại mất thời gian và phiền hà. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu trong việc CCHC, tiến tới chúng tôi sẽ cải tiến Trung tâm hành chính công kết nối với các huyện, xã để xử lý những khó khăn vướng mắc ở dưới huyện, xã chuyển lên. Mô hình này là giải pháp hữu hiệu, góp phần tăng hiệu quả làm việc, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian cho tổ chức, công dân.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiến tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp “sống khoẻ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO