Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và phát triển bền vững, cần phải chú trọng hơn nữa đến kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người trong du lịch.
>>JTI chung tay bảo vệ tôn trọng quyền con người
Theo thống kê, ngành du lịch Việt Nam là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 4 lần dịch bùng phát và rơi vào cảnh “ngủ đông”. Thị trường du lịch trong nước gần như “đóng băng” hoàn toàn. Hàng loạt người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, phải chật vật mưu sinh…
Nhưng vượt qua “cơn bĩ cực”, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên cả nước đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và góp phần vào quá trình hồi phục, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch COVID-19.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách du lịch nội địa tháng 5 đạt 12 triệu lượt khách, tăng 243% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, có khoảng 8,2 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số kháchdu lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 48,6 triệu lượt khách.
Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2022 đạt khoảng 136.000 lượt khách. Năm tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 228.400 lượt khách.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới phát hành tháng 5/2022 cho biết chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019. Điều này đưa Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện chất lượng du lịch cao nhất trên thế giới; bên cạnh Indonesia (tăng 12 bậc) và Saudi Arabia (tăng 10 bậc).
Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm
Trả lời báo chí về vấn đề “Giai đoạn phục hồi sau COVID-19, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cần làm gì để đảm bảo một hướng đi bền vững cho đơn vị mình?”, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Để đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy phục hồi du lịch, các doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế cạnh tranh, tăng cường chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng lưu ý, doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo lao động của doanh nghiệp, có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc. Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho khách.
Bên cạnh đó, “cần liên kết với điểm đến, hàng không tạo các sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm du lịch phù hợp thị trường, đẩy mạnh phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau COVID-19, sử dụng các dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc”, ông Nguyễn Lê Phúc lưu ý thêm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đình Thượng - CEO Autic Partner - Nền tảng việc làm thêm Du lịch và Dịch vụ trực tuyến, cho rằng “tinh thần trách nhiệm sau đại dịch của doanh nghiệp đó là không ngừng đổi mới, tuân thủ luật pháp, đồng thời đảm bảo những quyền lợi chính đáng cho lao động của mình”.
Cụ thể, tinh thần trách nhiệm được CEO Trần Đình Thượng phân tích qua các yếu tố:
Đối với thị trường và xã hội, trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch doanh nghiệp du lịch cần cố gắng tuân thủ các tiêu chuẩn dịch vụ về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để đem tới dịch vụ đảm bảo cho khách hàng. Cung cấp mức giá phù hợp với chất lượng dịch vụ. Tuân thủ các quy định pháp lý về luật kinh doanh, luật du lịch và các bộ luật quy phạm có liên quan. Không vì các tác động khó khăn để lách luật, hoặc làm trái các quy định pháp luật. Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Đối với với nguồn đầu vào, đó là cần đảm bảo uy tín, khả năng thanh toán, hạn chế công nợ. Khó khăn với một doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành sẽ vô hình chung ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.
Về nhân lực, chính là đảm bảo chi tiêu cơ bản cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động được quay lại làm việc. Được đào tạo, hỗ trợ, hướng dẫn để tái hòa nhập với môi trường làm việc. Bên cạnh đó, việc đưa quyền con người vào chiến lược kinh doanh, văn hóa và vận hành doanh nghiệp rất quan trọng bởi nó đảm bảo phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm. Quyền con người không nên được coi là một “phần bổ sung” mà phải là trọng tâm của chiến lược kinh doanh, vận hành và văn hóa của doanh nghiệp.
>>Nâng cao trách nhiệm tôn trọng quyền con người trong kinh doanh tại Việt Nam
Đảm bảo quyền con người trong ngành du lịch
Trong những năm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban quyền con người Úc (AHRC) với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DEFAT) đã khởi động một chương trình kéo dài hai năm để thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam để tăng cường năng lực kinh doanh và đào tạo cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tương lai nhằm thúc đẩy đạo đức kinh doanh có trách nhiệm và tôn trọng quyền con người.
VCCI và AHRC đã thống nhất xây dựng Báo cáo về Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững, phân tích khả năng lồng ghép và khuyến nghị một số chỉ số cụ thể liên quan đến Kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người.
Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie nhận định: “Một trong những điểm khác biệt của Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững năm nay là việc đưa chỉ số liên quan đến tôn trọng quyền con người nhằm đánh giá xem doanh nghiệp có những chính sách bảo vệ quyền con người, có tuân theo những cam kết tôn trọng quyền con người theo Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người”.
“Xếp hạng cao trong bảng đánh giá này sẽ giúp doanh nghiệp gây được tiếng tăm trên thị trường quốc tế, thu hút đầu tư cũng như đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết.
Trong khuôn khổ Chương trình "Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”, VCCI và Ủy ban quyền con người Úc cũng đã xây dựng tài liệu “Hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm và tôn trọng quyền con người trong ngành du lịch tại Việt Nam”, nhằm nêu bật một số thách thức và vấn đề quyền con người nảy sinh trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các bước hướng dẫn thực tế dựa trên khuôn khổ và các nguyên tắc quốc tế.
Theo đó, để thực hiện trách nhiệm tôn trọng quyền con người theo Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người, các công ty trong ngành du lịch và lữ hành ở Việt Nam và các quốc gia khác phải thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc áp dụng trách nhiệm giải trình để xác định, ngăn chặn, giảm thiểu và giải thích về cách họ giải quyết các tác động của kinh doanh đối với quyền con người của con người và cộng đồng; Hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch và lữ hành tại Việt Nam hiểu và thực hiện trách nhiệm tôn trọng tất cả các quyền con người.
Tài liệu hướng dẫn chỉ ra rằng là một doanh nghiệp có trách nhiệm có nghĩa là chấp nhận một cách hiểu khác về rủi ro, tập trung vào “rủi ro đối với con người” hơn là “rủi ro đối với doanh nghiệp”. Bên cạnh đó sự tham gia và tham vấn với các bên liên quan sẽ cho phép các doanh nghiệp có được bức tranh toàn cảnh về các rủi ro tác động đến quyền con người.
Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD/VCCI) Nguyễn Quang Vinh đánh giá, thực tiễn đại dịch COVID-19 đã cho thấy, các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đề cao quyền con người, đều có khả năng chống chịu tốt trước khủng hoảng và hồi phục nhanh.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du đã xây dựng, ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 3624/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2022. Đây là cơ sở để ngành Du lịch tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư, tổ chức rà soát đánh giá lại nguồn nhân lực du lịch. Đầu tư đào tạo, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dành kinh phí cho hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Quỹ này cho phép hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nghề du lịch.
Có thể khẳng định du lịch là một ngành rất nhạy cảm, phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Để phát triển bền vững, các đơn vị kinh doanh du lịch phải luôn trong tâm thế chủ động ứng phó với mọi thách thức, khó khăn. Và việc kết hợp hài hòa được giữa trách nhiệm và quyền con người đã tạo nên sự phát triển bền vững của ngành du lịch hậu COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Nâng cao trách nhiệm tôn trọng quyền con người trong kinh doanh tại Việt Nam
10:32, 08/06/2022
JTI chung tay bảo vệ tôn trọng quyền con người
08:55, 07/04/2021
Bảo vệ quyền con người trong đại dịch COVID-19
11:00, 10/12/2020
Trí tuệ nhân tạo AI và những câu hỏi đặt ra với pháp luật và quyền con người
05:08, 24/08/2020