Trí tuệ nhân tạo AI và những câu hỏi đặt ra với pháp luật và quyền con người

An Chi 24/08/2020 05:08

Trí tuệ nhân tạo cũng giống như các dạng công nghệ khác, phản ánh văn hóa và giá trị của những người tạo ra nó cũng như những người cung cấp khung dữ liệu mà nó được xây dựng

Do đó, công nghệ AI được phát triển ở các quốc gia hoặc tổ chức khác nhau có thể đưa ra những lời giải khác nhau cho cùng một vấn đề.

Một nhân viên xem xét một robot tại địa điểm tổ chức Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải vào ngày 9 tháng 7 vừa qua

Một nhân viên xem xét một robot tại địa điểm tổ chức Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải vào ngày 9 tháng 7 vừa qua

Vào cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo - một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ đã công bố "Vai trò của Công nghệ AI trong Ứng phó và Chuẩn bị cho Đại dịch: Các Sáng kiến và Đầu tư được Khuyến nghị". Cụ thể, Báo cáo đưa ra 10 khuyến nghị, bao gồm kêu gọi thành lập "Bộ dữ liệu chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch" liên bang và đầu tư vào "hiện đại hóa kỹ thuật số cơ sở hạ tầng y tế của tiểu bang và địa phương cần thiết để giám sát dịch bệnh hiệu quả".

Đây là báo cáo thứ ba liên quan đến AI được Ủy ban này công bố kể từ khi COVID-19 xuất hiện, và đây cũng được xem là những phản ứng của chính phủ Mỹ đối với đại dịch toàn cầu này. Đây còn được xem là Bộ sách trắng COVID-19 đề cập đến các vấn đề đạo đức cơ bản liên quan đến việc sử dụng AI trong các phản ứng chính sách đối với cuộc khủng hoảng, bao gồm quyền riêng tư và trách nhiệm của các nhà phát triển phần mềm.

Ủy ban đã rất nỗ lực trong việc thiết lập và đưa ra các lập trường rõ ràng của chính phủ về những vấn đề liên quan tới đại dịch, cũng như trình bày chúng trước Quốc hội và người dân Mỹ. Mặc dù việc này tốn nhiều thời gian, và bất chấp mức độ khẩn cấp của đại dịch, Nhà Trắng buộc phải tuân theo các quy trình dân chủ khi quyết định cách thức chi tiêu tiền thuế của người dân.

Ngược lại, Trung Quốc đã rất nhanh chóng sử dụng AI trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. AI đã được sử dụng để xác định các cá nhân theo dõi tiếp xúc và dự đoán cách thức lây lan của virus.

Không thể phủ nhận rằng việc thu thập dữ liệu cá nhân để theo dõi diễn biến của dịch bệnh, ở một khía cạnh nào đó là rất hiệu quả. Tuy nhiên điều này luôn làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư của mỗi cá nhân, khi lịch sử đi lại và tiếp xúc xã hội của họ đều bị thu thập, đặc biệt tại những quốc gia vốn đã có những “điều tiếng” về quyền tự do dân chủ.

Từ thực tế đó, đại dịch COVID-19 đã khiến sự khác biệt lớn về giá trị và chuẩn mực văn hóa giữa các quốc gia trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Giáo sư Shigeo Kawashima tại Đại học Aoyama Gakuin - người chuyên nghiên cứu về sự tương tác giữa xã hội và công nghệ, tin rằng thế giới đã đạt đến một dấu mốc lịch sử liên quan đến sự phát triển của AI. Theo Giáo sư Kawashima nói, câu hỏi đặt ra là "quốc gia nào sẽ có thể xây dựng một xã hội dựa trên AI, nơi con người chứ không phải máy móc, đóng vai trò trung tâm?"

Một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi được gọi là “khả năng giải nghĩa AI – XAI” đang được nhiều nhà khoa học nghiên cứu. XAI đề cập đến cách áp dụng AI để đảm bảo quá trình ra quyết định dựa trên AI mà con người có thể hiểu được. Nôm na, XAI có thể "giải thích" cách nó đưa ra một quyết định cụ thể.

Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ DARPA, đang dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu này. Quân đội Mỹ rất muốn phát triển các hệ thống máy tính tạo ra các giải thích minh bạch cho các quyết định của các hệ thống AI. Điều này rất có lợi cho việc vận hành các hệ thống vũ khí tự động và thậm chí lập kế hoạch tự động cho các hoạt động quân sự đã ở giai đoạn áp dụng thực tế ở Mỹ.

Các xã hội khác nhau tạo ra các loại AI khác nhau. AI của Trung Quốc chắc chắn sẽ ngày càng trở nên thông minh với tốc độ chóng mặt vì lượng dữ liệu khổng lồ có sẵn mà các kỹ sư AI tại Trung Quốc đã thu thập được.

Theo một cuộc khảo sát của Văn phòng Sáng chế Nhật Bản vào cuối tháng 7, các đơn vị Trung Quốc đã nộp 6.858 đơn đăng ký bằng sáng chế AI trong năm 2017, vượt qua Mỹ với 5.954 hồ sơ. Mỹ đã đánh mất lợi thế áp đảo lâu nay về AI. Với số đơn xin cấp bằng sáng chế tăng gấp đôi mỗi năm, Trung Quốc đang trên đà trở thành siêu cường về AI.

Marlon Technologies trình diễn khả năng trí tuệ nhân tạo của mình tại Shenzen, vào năm 2018. Trung Quốc đang ngày càng ứng dụng nhiều hơn AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Kỹ sư của Marlon Technologies giới thiệu về trí tuệ nhân tạo tại Shenzen năm 2018. Trung Quốc đang ngày càng ứng dụng nhiều hơn AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Hầu hết các ứng dụng bằng sáng chế AI được sản xuất tại Trung Quốc đều liên quan đến thực tế; một số ít liên quan đến XAI. Trung Quốc có thể là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển công nghệ AI hộp đen để chăm sóc sức khỏe, công nghệ xe tự lái, xét xử tội phạm, quyết định nhân sự và các lĩnh vực khác. Nhưng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với nghiên cứu và phát triển AI, dường như lại khác với rất nhiều quốc gia khác cũng nghiên cứu về lĩnh vực này.

Tại Nhật Bản và Mỹ, một loạt các công ty lớn bao gồm Google, Sony và Fujitsu đã thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức riêng cho AI vì các doanh nghiệp AI sẽ không thể tồn tại nếu không nhận được sự tin tưởng từ phía người dùng. Hirokazu Anai, Giám đốc cấp cao của Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo thuộc Phòng thí nghiệm Fujitsu cho biết: “Chúng tôi phải chứng minh cho khách hàng thấy rằng AI của chúng tôi đủ an toàn và đáng tin cậy”.

Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều ứng dụng AI gắn bó với đời sống con người nhưng đã chớm hình thành một “thị trường” buôn bán dữ liệu cá nhân phục vụ cho các nhu cầu về nhà đất, ô tô, bảo hiểm, cho vay cá nhân… Trên “thị trường” đó, những thông tin càng riêng tư thì càng có giá trị, vì thông tin đó phản ánh rõ nét và thực chất nhất cá nhân người sử dụng. Phân tích những thông tin riêng tư sẽ cho phép ra kết luận sát với thực tế. Điều đó khiến cho những dữ liệu riêng tư trở thành mặt hàng có giá trị và được săn lùng chủ yếu bởi những nhà cung cấp dịch vụ trên Internet dưới những vỏ bọc “miễn phí”.

Trong tương lai, khi công nghệ AI phát triển mạnh tại Việt Nam, chắc chắn “thị trường” dữ liệu cá nhân sẽ trở thành “mỏ vàng” cho các ứng dụng AI bằng cả cách thức hợp pháp và bất hợp pháp.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi nghiệp thành công bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào dây chuyền sản xuất

    Khởi nghiệp thành công bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào dây chuyền sản xuất

    19:30, 31/03/2020

  • Nhà băng Việt sắp đưa robot và trí tuệ nhân tạo AI vào giao dịch

    Nhà băng Việt sắp đưa robot và trí tuệ nhân tạo AI vào giao dịch

    10:19, 11/12/2019

  • Mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI có thể xuất hiện trong năm 2019

    Mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI có thể xuất hiện trong năm 2019

    00:00, 20/12/2018

  • Trí tuệ nhân tạo AI đang chuyển dịch ngành Marketing và Sales

    Trí tuệ nhân tạo AI đang chuyển dịch ngành Marketing và Sales

    11:30, 23/11/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trí tuệ nhân tạo AI và những câu hỏi đặt ra với pháp luật và quyền con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO