Kinh Môn, Hải Dương - Vùng đất ô nhiễm (Kỳ II): Những quyết định xử phạt cho có

Lê Cường – Thu Hà 15/09/2019 02:05

Trong tháng 8 vừa qua, huyện Kinh Môn, Hải Dương đã thành lập đoàn liên ngành rà soát, kiểm tra và xử lý hàng loạt bãi tập kết than, vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kinh Môn cho biết như vậy khi trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trong các quyết định xử phạt mà ông Hạ cung cấp cho PV thì có một điểm giống nhau là tất cả các bãi đều bị xử phạt vì vi phạm gây cản trở dòng chảy. Và tuyệt nhiên không có bất kỳ quyết định xử phạt nào về vi phạm môi trường mặc dù sự vi phạm này rõ mười mươi.

p/Quá trình sàng tuyển than phát tán bụi khủng khiếp tại bãi Đức Dương (thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương)

Quá trình sàng tuyển than phát tán bụi khủng khiếp tại bãi Đức Dương (thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương)

Phớt lờ vi phạm môi trường

Ngoài trường hợp của công ty Minh Đức với những sai phạm rõ như ban ngày, thì tại xã Hiệp An bãi tập kết của Công ty CP thương mại Sông Hàn cũng chưa có đánh giá tác động môi trường. Thực tế ghi nhận của PV tại bãi tập kết này cũng cho thấy việc ảnh hưởng môi trường dang diễn ra nghiêm trọng. Sông Hàn không có các giải pháp để đảm bảo ngăn nước ô nhiễm chảy ra sông Kinh Thầy, quá trình sàng tuyển bốc xúc cũng không được che chắn khiến lượng bụi phát tán ra không khí đen kịt.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân, giám đốc Công ty Sông Hàn cũng thừa nhận, hiện công ty chưa có các giải pháp để đảm bảo môi trường. Qúa trình hoạt động diễn ra gần như tự phát. Khi PV hỏi, đã có đoàn kiểm tra của huyện đến làm việc chưa? Ông Tuân cho biết, đoàn liên ngành của huyện có đến kiểm tra và xử lý vi phạm của Sông Hàn là tập kết ngăn dòng chảy, ngoài ra không có lỗi khác. Đối chiếu với quyết định xử phạt của huyện Kinh Môn, thì điều ông Tuân nói là chính xác.

Thêm một trường hợp gây ô nhiễm khác, đó là bãi tập kết sàng tuyển của công ty TNHH Đức Dương tại thị trấn Minh Tân, Kinh Môn. PV DĐDN cũng đã có mặt tại đây và ghi nhận một sự ô nhiễm báo động tại bãi tập kết này. Hệ thống sàng tuyển, vận chuyển khiến một lượng bụi than khổng lồ phát tán và bao phủ cả một vùng rộng lớn. Một cán bộ xã thị trấn Minh Tân cho biết, bụi than ở đây có những hôm chỉ một ngày thôi nhiều nhà dân bị phủ đen kịt, nhà nào khu vực gần những bãi này đều phải kín cổng cao tường rất khổ sở và khó khăn trong việc buôn bán làm ăn.

  Dù những vi phạm môi trường rất rõ ràng, nhưng các doanh nghiệp than tại huyện Kim Môn vẫn điềm nhiên sản xuất, bất chấp sự nguy hại về môi trường, sức khỏe, thiệt thòi về kinh tế cho đông đảo người dân và những doanh nghiệp “thấp cổ bé họng” khác.

Ông Nguyễn Minh Thính, thị trấn Minh Tân cho biết, ở đây không khí rất ô nhiễm ngoài bụi than còn cả bụi xi măng, cứ hôm trước lau hôm sau lại đen kịt. Bà con nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay đâu vẫn vào đó, cuộc sống, sức khỏe người dân bị đe dọa nghiêm trọng.

Câu hỏi đặt ra, là vì sao những vi phạm môi trường rất rõ ràng, thậm chí phía doanh nghiệp cũng đã thừa nhận mà đoàn kiểm tra của huyện Kinh Môn lại không “phát hiện” xử lý? Những kiến nghị của doanh nghiệp, người dân bị phớt lờ?

Theo các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, các vi phạm thường bị xử phạt khá nặng, thậm chí có thể đình chỉ, cấm hoạt động. Trong khi đó giá trị kinh tế của chủ các doanh nghiệp từ than là khá lớn. Như vậy, liệu có sự “biết điều” từ chủ doanh nghiệp than với các cán bộ xử lý vi phạm môi trường hay sự bắt tay mang tính chất nhóm lợi ích nên mọi sai phạm đều được hóa giải bằng không?

Không chỉ ô nhiễm về than

Nói đến Kinh Môn, người ta biết đến một vùng đất với cảnh quan, non nước đẹp như tranh. Nơi con sông Kinh Thầy nổi tiếng thơ mộng chạy qua. Người ta đã từng kỳ vọng, đây phải là một vùng trung tâm về du lịch của Hải Dương. Nhưng không, tất cả đã bị phá nát. Núi trở thành mỏ đá khai thác cho xi măng, bê tông. Sông Kinh Thầy trở thành hệ thống giao thông cho những con tàu trở than, xi măng, cát, sỏi là nơi cho hàng trăm nhà máy, bến bãi xả thải.. Kinh Thầy đoạn qua Kinh Môn được người dân nơi đây gọi là “dòng sông chết”.

Không còn hoặc rất khó khăn để có thể đánh bắt cá trên đoạn sông một thời là nguồn sống cho người dân nơi đây. Kinh Môn nhỏ bé đầy thơ mộng nay trở thành một vùng đất khói bụi với sự xuất hiện hàng trăm nhà máy nhôm, thép, xi măng, muối, chế biến than, lò gạch…

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh Môn, Hải Dương - Vùng đất ô nhiễm (Kỳ I): Bụi than đang

    Kinh Môn, Hải Dương - Vùng đất ô nhiễm (Kỳ I): Bụi than đang "bức tử" một doanh nghiệp

    11:05, 12/09/2019

  • "Ô nhiễm ở Rạng Đông chỉ còn trong phạm vi nhà máy"

    11:57, 12/09/2019

  • Hải Phòng: Hàng trăm hộ dân phản đối cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

    Hải Phòng: Hàng trăm hộ dân phản đối cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

    04:50, 14/08/2019

Vẫn biết đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế là một trong những sự ưu tiên hàng đầu. Nhưng sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế phải song hành với bảo vệ sức khỏe người dân, bảo tồn những cảnh quan có giá trị. Nếu không nói, phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác, bảo tồn giá trị thiên nhiên sẽ mang những kết quả lâu dài và bền vững trên nhiều mặt, hơn hẳn việc phát triển nóng, bất chấp môi trường, bất chấp thiên nhiên, xây dựng những cơ sở sản xuất độc hại, phá nát cảnh quan, xả thải tùy tiện với kết quả kinh tế nhỡn tiền nhưng những nguy hại môi trường khôn lường tiềm ẩn để việc khắc phục sau đó tốn kém hoặc vô phương cứu chữa.

Những gì đang xảy ra tại Kinh Môn cho thấy một sự phát triển nóng rất đáng ngại. Bởi sự đánh đổi là quá lớn, một sự “thế chấp” đầy rủi ro sức khỏe, cuộc sống của người dân. Thực tế đã có những ngôi làng có đến cả trăm người bị ung thư. Liệu đây có đáng là sự đánh động cho mọi “quyết tâm” phát triển kinh tế của địa phương này?

Kỳ III: Nước mắt “làng ung thư”

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh Môn, Hải Dương - Vùng đất ô nhiễm (Kỳ II): Những quyết định xử phạt cho có
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO