Việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại.
Mặc dù nhiều “nút thắt” đã được tháo gỡ, nhưng vẫn chưa đủ.
Theo nhiều chuyên gia, việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã được nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ thực sự hữu ích cho Việt Nam.
Theo TS Phạm Tiến Mạnh, Học viện Ngân hàng, kinh nghiệm từ các quốc tế sẽ giúp TTCK Việt Nam có cái nhìn thực tế hơn trong quá trình nâng hạng thị trường. Hiện nay, một số các quốc gia trong khu vực cũng đang trong danh sách thị trường cận biên năm 2023 của FTSE Russell, như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Philippines, Thái Lan… Theo ông Mạnh, có 2 quốc gia tương đối phù hợp với Việt Nam để học hỏi bài học kinh nghiệm, đó là Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.
TTCK của Saudi Arabia chính thức được đưa vào danh sách thị trường mới nổi từ năm 2019, với lộ trình vạch ra rõ ràng. Chính phủ nước này đã mở cửa thị trường để tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, nới lỏng dần điều kiện nhà đầu tư tham gia TTCK, như quy mô vốn đầu tư từ 5 tỷ USD xuống 1 tỷ USD và sau đó xuống còn 500 triệu USD. Đặc biệt, quốc gia này bỏ luôn yêu cầu kinh nghiệm của nhà đầu tư ít nhất 05 năm; đồng thời bỏ điều kiện sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài từ tối đa 70% xuống còn 49% và năm 2019 bỏ luôn cả qui định này.
Bên cạnh đó, Saudi Arabia giảm phí giao dịch chứng khoán, cho phép nhà đầu tư không cần có tiền vào ngày mua chứng khoán, nhưng phải có đủ tiền trong tài khoản ở ngày T+2. Ngoài ra, quốc gia này cho phép hoạt động cho vay và bán khống chứng khoán; đồng thời áp dụng mô hình thanh toán bù trừ đa phương của ngân hàng thanh toán quốc tế.
Trong khi đó, UAE đã tiến hành cải cách khung pháp lý để hỗ trợ nâng hạng thị trường từ việc sửa đổi Luật liên bang 2015… Quốc gia này quy định công ty cổ phần, công ty TNHH có thể được thành lập dưới mô hình tập đoàn để thống nhất các hoạt động của các công ty con.
UAE quy định chỉ 30% cổ phần của công ty đại chúng phải bán ra trong đợt IPO; hoạt động bảo lãnh phát hành, phương pháp dựng sổ được thực hiện theo quy định của Cơ quan quản lý hàng hóa và chứng khoán của UAE (SCA). Tỷ lệ cổ phần điều lệ/cổ phiếu được phép phát hành có thể gấp đôi số lượng cổ phiếu đã phát hành. Công ty cổ phần, hoặc các công ty con không được cấp vốn cho các cổ đông để mua chính cổ phiếu, trái phiếu của công ty đó.
Ngoài ra, trừ khi có chấp nhận của ĐHĐCĐ, công ty đại chúng không được phép thực hiện các giao dịch mua/bán trên 5% vốn điều lệ của công ty. Các cổ đông lớn của công ty đại chúng (với sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên) cần đăng ký với SCA với cam kết không làm phương hại đến lợi ích của các cổ đông khác,…
Từ bài học kinh nghiệm của 2 quốc gia trên, TS Mạnh cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các nội dung sau đây:
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục cải cách nền kinh tế quốc gia, giúp các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trên TTCK.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở pháp lý cần thiết trên thị trường tài chính nói chung và đối với TTCK nói riêng để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trên TTCK.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên TTCK.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cho TTCK, tạo ra các cơ chế giao dịch chứng khoán công bằng, minh bạch.
Theo đợt đánh giá gần đây, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí của FTSE để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Theo FTSE, có 2 vấn đề cản trở việc nâng hạng TTCK của Việt Nam, đó là non-Prefunding (công ty chứng khoán được phép nhận lệnh mua từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dù tài khoản không đủ 100% giá trị lệnh, dựa trên mức ký quỹ thỏa thuận trong hợp đồng), và xử lý những giao dịch thất bại. Trong đó, vấn đề non-prefunding về cơ bản đã giải quyết theo quy định tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC. Hiện tại, đa số các công ty chứng khoán đã hoàn thiện quy trình cho vấn đề này để áp dụng, đặc biệt các công ty chứng khoán thường có hoạt động của quỹ đầu tư ngoại.
Đối với việc xử lý những giao dịch thất bại, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sửa đổi) để áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP). Theo đó, sẽ phòng ngừa rủi ro thanh toán cho TTCK cơ sở theo Thông tư 119/2020/TT-BTC, đảm bảo nhiều lớp đệm an toàn.
Theo nhiều chuyên gia, đây là “nút thắt” lớn có thể được gỡ kịp thời ngay trước đợt đánh giá năm 2025 của FTSE. Vì vậy, việc nâng hạng thị trường có thể được thực hiện trong năm 2025, với kịch bản khả quan nhất vào tháng 9/2025, thay vì tháng 3/2025 như kỳ vọng.