Phát triển bảo hiểm nông nghiệp là một quá trình dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân để tạo ra một hệ thống bền vững, hiệu quả.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Nhiều quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn đã triển khai các mô hình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) hiệu quả, góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp bền vững.
Thứ nhất là Mỹ, quốc gia có một hệ thống bảo hiểm nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và là một trong những đất nước tiên phong trong lĩnh vực này. Theo đó, chương trình BHNN tại Mỹ chủ yếu do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) quản lý thông qua các tổ chức bảo hiểm tư nhân. Hai hình thức bảo hiểm chính là bảo hiểm theo sản lượng và bảo hiểm thu nhập.
Với bảo hiểm sản lượng, nông dân có thể mua bảo hiểm dựa trên sản lượng dự kiến của vụ mùa. Nếu sản lượng thực tế thấp hơn mức bảo hiểm, họ sẽ nhận được khoản bồi thường. Còn bảo hiểm thu nhập là mô hình bảo hiểm toàn diện hơn, bảo vệ nông dân không chỉ trước sự mất mát về sản lượng, mà còn trước sự biến động giá cả và các yếu tố khác ảnh hưởng đến thu nhập.
Về chính sách, Chính phủ Mỹ hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm cho nông dân, đặc biệt là trong các khu vực có rủi ro cao như nạn hạn hán hoặc lũ lụt. Chương trình này đã giúp nông dân duy trì sản xuất và vượt qua các khó khăn tài chính, giữ cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định.
Thứ hai là Trung Quốc, cũng là quốc gia có nền nông nghiệp lớn và BHNN được xem như công cụ quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho nông dân, với các loại hình bảo hiểm gồm bảo hiểm thiên tai và bảo hiểm thu nhập.
Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc trợ cấp chi phí bảo hiểm, đặc biệt cho những vùng nông thôn khó khăn. Đồng thời yêu cầu các công ty bảo hiểm phải cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với điều kiện địa phương.
Điểm đặc biệt là Trung Quốc tập trung vào phát triển các công cụ phân tích dữ liệu lớn và ứng dụng công nghệ số để đánh giá thiệt hại và bồi thường cho nông dân một cách nhanh chóng và công bằng. Chương trình bảo hiểm đã giúp bảo vệ nông dân trước những thiên tai, đồng thời góp phần cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp tại nước này.
Thứ ba là Brazil, một quốc gia nông nghiệp lớn ở Nam Mỹ đã triển khai các chương trình BHNN kết hợp với các dịch vụ tín dụng. Cụ thể là các hình thức BHNN liên kết với các khoản vay nông nghiệp, nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và khôi phục sau thiên tai.
Chính phủ nước này cung cấp các khoản trợ cấp và ưu đãi tín dụng cho nông dân khi họ tham gia mua bảo hiểm, giúp giảm chi phí ban đầu và gia tăng nguồn lực để duy trì sản xuất.
Thứ tư là Thái Lan, đã triển khai các chương trình BHNN hiệu quả, đặc biệt trong việc bảo vệ các vụ mùa chính của đất nước. Chính phủ Thái Lan cung cấp bảo hiểm đối với thiệt hại do thiên tai và sự biến động giá nông sản. Các nông dân có thể tham gia bảo hiểm với mức phí hợp lý, đồng thời nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ trong trường hợp có thiệt hại.
Chính phủ Thái Lan cũng chi trả một phần phí bảo hiểm và hỗ trợ chi phí cho nông dân ở những khu vực dễ bị tổn thương, giúp họ duy trì hoạt động sản xuất.
Triển vọng cho thị trường Việt Nam
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, nông nghiệp cho rằng, điểm mấu chốt là Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí bảo hiểm cho nông dân, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn. Việc trợ cấp một phần chi phí bảo hiểm, hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi sẽ giúp nông dân tham gia bảo hiểm dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các công nghệ như dữ liệu vệ tinh, phân tích dữ liệu lớn và các hệ thống giám sát thông minh được áp dụng sẽ giúp nâng cao tính chính xác trong việc đánh giá thiệt hại và chi trả bảo hiểm, đồng thời giúp nông dân cũng như phía công ty bảo hiểm giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức cho nông dân về lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp và cách thức tham gia là rất quan trọng. Các chương trình đào tạo và tuyên truyền sẽ giúp nông dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, nhìn sang một số quốc gia gần gũi với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan đều có nền nông nghiệp phát triển và cũng phát triển bảo hiểm nông nghiệp tương đối tốt. Thực tế họ có những kinh nghiệm mà Việt Nam đã áp dụng rồi, ví dụ thí điểm áp dụng theo từng địa bàn phù hợp như miền Bắc thì hay thiên tai, hạn hán còn miền Nam thì hay có dịch bệnh…
Đối với người mua, các quốc gia cũng hỗ trợ một phần phí, nhưng thêm vào đó là sau khi người mua xảy ra tổn thất (tổn thất của ngành bảo hiểm nông nghiệp rất lớn, quy mô lan tỏa) mà các công ty bảo hiểm không đủ khả năng tài chính để chi trả; thì Chính phủ các nước sẽ có cơ chế tham gia chi trả ở một ngưỡng cụ thể. Điều này giúp các doanh nghiệp bảo hiểm mặn mà hơn với việc chịu rủi ro.
Đánh giá về triển vọng của thị trường BHNN tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng sau những sự kiện mang tính thảm họa như cơn bão số 3 vừa qua, thì khả năng phát triển thị trường BHNN sẽ lớn hơn, vì ý thức của người dân đã được nâng cao.
“Đặc biệt khi Chính phủ hỗ trợ các chính sách bảo hiểm, phí mua bảo hiểm ở mức cao hơn nữa, người nông cũng sẽ tự tin hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm theo kế hoạch gắn kết vào các chuỗi giá trị nhiều hơn. Hoặc có thể có những công nghệ mới áp dụng, vì công nghệ là một xu hướng rất quan trọng trong nông nghiệp để gắn kết chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này giúp giá trị của nông nghiệp cho đời sống kinh tế của người nông dân tốt hơn, taọ động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm triển sản phẩm mới”, ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.
Có thể thấy, phát triển BHNN là một quá trình dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp bảo hiểm và nông dân để tạo ra một hệ thống bền vững, hiệu quả.