Kinh tế cửa khẩu Bắc Trung bộ Bài 1: Tiềm năng lớn từ vận tải hàng hóa

TUẤN VỸ 28/10/2023 15:45

Các khu kinh tế tại vùng cửa khẩu Bắc Trung bộ hiện nay đang dần được các địa phương chú trọng đầu tư để phát huy tiềm năng trong lĩnh vực vận tải hàng hóa xuất nhập nhậu và phát triển du lịch.

Hầu hết, các địa phương tại vùng đều có cảng biển và cửa khẩu quốc tế (CKQT) nên lượng hàng hóa lưu thông ngày càng lớn.

  Lượng hàng hóa qua các cửa khẩu tại khu vực Bắc Trung bộ đang tăng đột biến mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Lượng hàng hóa qua các cửa khẩu tại khu vực Bắc Trung bộ đang tăng đột biến mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Nguồn thu ổn định

Dọc dải Bắc Trung bộ, các CKQT Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), La Lay – Lao Bảo (Quảng Trị),... hiện nay đều đang góp phần quan trọng trong việc vận tải hàng hóa xuyên biên giới. Hiện nay, các địa phương đều đã thành lập khu kinh tế (KKT) tại đây để tiếp tục tối đa hóa lợi ích từ vùng cửa khẩu. Hàng hóa tăng đã mang lại nguồn thu ổn định cho các địa phương, tạo được nguồn vốn lớn trong việc tái đầu tư hạ tầng để phục vụ cho doanh nghiệp và khu vực.

Qua ghi nhận thực tế, lượng hàng vận tải hiện nay không đơn thuần chỉ là nông sản từ Lào như trước và còn ghi nhận thêm nhiều mặt hàng như than, quặng sắt, mặt hàng tạm nhập tái xuất, hàng tiêu dùng nội địa,... Hàng ngày, tại các cửa khẩu đều ghi nhận hàng trăm lượng phương tiện lưu thông qua lại, có lúc còn xảy ra ách tắc vì lượng phương tiện quá đông.

Về các khoản thu hằng năm, ông Lưu Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng các KCN, KKT tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2021 đơn vị thu được 104,5 tỷ đồng (nộp ngân sách Nhà nước 90 tỷ đồng), năm 2022 thu 68,670 tỷ đồng (nộp 64 tỷ đồng). Và trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã thu được 84,5 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 70,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại CKQT La Lay cũng đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung. Sau khi được nâng cấp lên CKQT từ năm 2014, khu vực này cũng đang dần trở thành hướng lưu thông chính của các phương tiện vận tải.

Ông Hoàng Bá Linh – Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế La Lay cho hay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại tại cửa khẩu này là rất lớn kể từ đầu năm 2023. Trong đó, phần lớn mặt hàng than đã được vận tải qua La Lay từ đó mang lại nguồn thu dồi dào cho ngân sách Nhà nước. “Tính đến ngày 30/9, có khoảng 86.000 lượt phương tiện vận tải thông quan với tổng kim ngạch đạt khoảng 203 triệu USD, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 460 tỷ đồng, vượt gấp đôi so với chỉ tiêu đề ra. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 – 400 lượt phương tiện vận tải qua lại cửa khẩu, chủ yếu là xe tải trọng lớn vận chuyển than đá nhập khẩu từ Lào về Việt Nam”, ông Linh thông tin.

Tận dụng cơ hội

Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) hiện nay đang mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại, đầu tư giữa các nước. Đây chính là cơ hội để các quốc gia trong khu vực tiếp cận gần hơn nữa với các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng, phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến.

Cùng với đó là tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn, thị xã dọc hành lang EWEC, thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, thu hút đầu tư từ các quốc gia, khu vực và thế giới. Và hiện nay, các địa phương hưởng lợi nhiều nhất từ hành lang này là Quảng Trị cũng đang chứng minh được sự tận dụng tốt cơ hội này.

Tại KKT Lao Bảo, hiện nay khu vực đã được đầu tư cơ bản đầy đủ và đi vào hoạt động ổn hơn. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt trong hoạt động vận tải hàng hóa, có gần như đầy đủ dịch vụ bổ trợ lưu thông.

Ông Trương Khắc Nghi – Phó Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị cho hay, tại Lao Bảo đang có đề xuất dự án đầu tư bãi xuất khẩu với tổng mức kinh phí 91 tỷ đồng. Khi hoàn thiện dự án sẽ giải quyết được vấn đề lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển cho khu vực. Ngoài ra, địa phương cũng đang kêu gọi xã hội hóa các dự án, tại La Lay và cả Lao Bảo. Ở La Lay đã có 1 doanh nghiệp nhưng địa hình khá khó khăn.

Tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo Đề án phát triển đến năm 2030, có tổng diện tích khoảng 54.000ha, cùng với xây dựng hành lang kinh tế quốc lộ 12A, hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh, Khu kinh tế tổng hợp Hòn La. Với vị trí nằm trên cung đường ngắn nhất của trục nối liền 4 quốc gia là Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, sẽ biến nơi này thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình.

Từ đây sẽ hình thành đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các tỉnh miền Trung với 3 nước còn lại, đảm bảo an ninh, quốc phòng,... Vì vậy, địa phương này cũng đang lên kế hoạch để thu hút đầu tư tại đây, cụ thể hơn là hoàn thiện các dự án nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu,… đã triển khai và tìm thêm nhà đầu tư mới cho hạ tầng, bến bãi,...

Bài 2: Áp lực hạ tầng

Có thể bạn quan tâm

  • Hiệp hội logistics Hải Phòng đề xuất xây dựng trung tâm logistics và tuyến vận tải thủy nội địa

    Hiệp hội logistics Hải Phòng đề xuất xây dựng trung tâm logistics và tuyến vận tải thủy nội địa

    22:21, 25/10/2023

  • Chuyển đổi số trong ngành logistics ở Tây Nguyên

    Chuyển đổi số trong ngành logistics ở Tây Nguyên

    11:00, 19/10/2023

  • Thái Nguyên: “Đánh thức” tiềm năng dịch vụ Logistics

    Thái Nguyên: “Đánh thức” tiềm năng dịch vụ Logistics

    11:00, 15/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế cửa khẩu Bắc Trung bộ Bài 1: Tiềm năng lớn từ vận tải hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO