Trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 6 lĩnh vực cần thúc đẩy trong hợp tác Việt - Nhật, với trụ cột là kinh tế.
>> Kỳ vọng tương lai quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Nhật Bản
Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất bất chấp những thách thức từ COVID-19.
Để khai thác hiệu quả truyền thống hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng đề xuất thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trên 6 lĩnh vực.
Đầu tiên là tiếp tục tập trung vào trụ cột hợp tác kinh tế trong đại dịch, trước hết là thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau, qua đó thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nguồn vốn tài chính, vốn đầu tư, vốn ODA từ Nhật Bản.
Lĩnh vực thứ hai được Thủ tướng nêu ra là hợp tác y tế, nhất là chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine Covid-19, hay tăng cường năng lực cho các bệnh viện tuyến cuối. Tiếp đó là đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, lao động, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác địa phương và giao lưu văn hóa.
Ba lĩnh vực còn lại bao gồm hợp tác về văn hóa - du lịch, quốc phòng - an ninh, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vinh dự khi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mời thăm chính thức.
>> Nhật Bản và kinh nghiệm đi giữa “hai làn đạn”
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm tỉnh Tochigi, Thủ tướng mong muốn địa phương này mở rộng hợp tác thêm với nhiều tỉnh thành của Việt Nam, bởi những lợi thế và cơ hội hai bên mang lại cho nhau là rất lớn.
Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội hợp tác lớn với sự phát triển rất tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời nhấn mạnh các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư như sự ổn định chính trị; việc triển khai mạnh mẽ các khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng; con người Việt Nam càng trong khó khăn lại càng đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo để vượt qua mọi thách thức, đồng thời luôn thân thiện, mến khách.
Thủ tướng cũng đánh giá cao các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài, luôn chia sẻ, đồng hành với Việt Nam trong những thời khắc khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, những biến động kinh tế toàn cầu…
Mong muốn trong thời gian tới tỉnh Tochigi tiếp tục thiết lập quan hệ, thúc đẩy hợp tác với nhiều địa phương của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam rất coi trọng và sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tỉnh tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân, du lịch…
Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các các doanh nghiệp tỉnh Tochigi nói riêng và Nhật Bản nói chung tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu…
Tại chuyến thăm lần này Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Kishida, hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, dự hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và chứng kiến ký kết văn kiện hợp tác của các doanh nghiệp hai nước.
Có thể thấy, việc Thủ tướng Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ… sẽ giúp tăng cường mạnh mẽ niềm tin của doanh nghiệp Nhật, qua đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rắng, bên cạnh những tên tuổi lớn của Nhật Bản, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (SME) vào Việt Nam cần được chú trọng hơn nữa. Các doanh nghiệp SME từ Nhật Bản chính là các doanh nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác, là những mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Sự có mặt của các doanh nghiệp SME từ Nhật Bản ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam khi họ chính là những đối tác tin cậy, giúp chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam, hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nâng cấp, tiếp cận dần chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm