Chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng” trong bối cảnh lạm phát cao nhất 4 thập kỷ. Cách thức điều hành này khá lạ nhưng không phải không có cơ sở.
CPI tháng 11 của Nhật Bản tăng 3,7%, mức cao nhất trong gần 41 năm, do giá nhập khẩu thực phẩm và năng lượng tăng.
Từ năm 1973 đến nay, kinh tế Nhật Bản chững lại, rớt xuống vị trí thứ 3 toàn cầu. Với đà suy thoái như hiện tại, Nhật Bản có thể sẽ phải nhường vị trí đang nắm giữ cho Ấn Độ. Sự phát triển của Nhật Bản là điển hình và các vấn đề của nó cũng tiêu biểu không kém.
Thứ nhất, tốc độ phát sinh và quy mô nợ công tại Nhật hiện nay hơn gấp đôi GDP, khoảng 11.000 tỷ USD. Nguồn thuế của Nhật bị “teo tóp” phản ánh bức tranh kinh tế tối màu, nội lực nền kinh tế bị “sứt mẻ” trầm trọng khi COVID-19 xuất hiện.
Quan điểm của Abenomics cho rằng, tăng trưởng kinh tế giúp giải quyết triệt để nợ nần. Tuy nhiên trên thực tế, tăng trưởng kinh tế chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề, bởi chính sách thu thuế còn phụ thuộc vào lý thuyết kinh tế ứng dụng mỗi nhiệm kỳ là không giống nhau.
Thứ hai, dân số Nhật Bản quá già, tuổi thọ trung bình thuộc top cao nhất thế giới. Trong khi đó, lực lượng trong độ tuổi lao động quyết định đến tương lai nền kinh tế. Đây cũng là lý do giúp Trung Quốc, Ấn Độ thăng tiến nhanh chóng trên bản đồ quy mô GDP toàn cầu.
Đến lượt nó, dân số già buộc ngân sách công chi tiêu nhiều hơn cho an sinh xã hội, song nền kinh tế mất phần lớn động lực chi tiêu cá nhân do tầng lớp trung lưu bị bão hòa. Thêm nữa, lao động nhập cư có xu hướng tiết kiệm mang về cố hương hơn mua sắm.
Theo báo cáo của Capital Economics, khoảng một phần ba số nhân viên Nhật Bản làm việc kém hiệu quả hơn so với các đồng nghiệp ở Mỹ. Số tiền đầu tư vào quốc gia Đông Á từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng ít hơn so với số tiền được bỏ ra cho các nền kinh tế khác.
Thứ ba, những động lực tăng trưởng chính của Nhật đã tới hạn; ngoài dân số, không thể không nhắc đến những đại tập đoàn Nhật Bản từng “làm mưa làm gió” khắp thế giới, bây giờ chỉ còn lại một vài cái tên như Toyota, Honda, Aeon…
Bản thân những tập đoàn này không còn giữ được vị trí “độc tôn công nghệ” như thế kỷ trước, mà đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các doanh nghiệp mới nổi đến từ Trung Quốc, Ấn Độ. Rộng hơn, lĩnh vực kinh tế công nghệ - thế mạnh từng vô song của Nhật bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng chất bán dẫn.
>> Kinh tế Nhật Bản: Mặt trời có mọc lại?
Sau khi nội các mới tại Nhật Bản được thành lập, Thủ tướng Fumio Kishida đưa sáng kiến “chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản”. Theo đó, sáng kiến này tìm cách khắc phục những hạn chế của Abenomics, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tái phân phối thu nhập, tăng gấp đôi lương cho giới bình dân, qua đó kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng.
Cách tiếp cận của ông Kishida là “xây từ dưới lên”, đối lập với “kinh tế học nhỏ giọt từ trên xuống” từng khiến Thủ tướng Anh, Lizz Truss chỉ tại vị được 45 ngày vì tính bất khả thi của nó. Đây là đường lối kinh tế mang đậm “chủ nghĩa dân tộc”, tranh thủ sự ủng hộ của đa số thay vì chiều lòng giới giàu có thiểu số.
Nhật Bản cần lượng tiền lớn bơm ra thị trường thông qua hai công cụ, tăng thuế và phát hành trái phiếu chính phủ; đồng thời duy trì lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Ông Kishida và nội các đặt mục tiêu tạo ra số doanh nghiệp khởi nghiệp tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm tới và 1 triệu việc làm; đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư 1.000 tỷ USD chuyển hướng sang kinh tế “xanh”, cũng như tăng cường chi tiêu cho quốc phòng.
Lý thuyết kinh tế này chú trọng vào lượng tiền trong túi người dân, làm cho nó dễ kiếm và nhiều lên để mở rộng chi tiêu mua sắm, nhờ đó kích thích nền kinh tế phát triển. Như vậy, sau nhiều năm, Nhật Bản quay lại sử dụng động lực nội địa như giai đoạn bắt đầu kỳ tích “thần kỳ Nhật Bản”.
Đây là xu hướng đáng chú ý xuất hiện sau đại dịch COVID-19, một số nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ,… đã chuyển hướng, đề cao vai trò của thị trường trong nước, nội lực tự thân hơn là dựa vào nguồn lực bên ngoài.
Các nền kinh tế tư bản bắt đầu chịu áp lực tái cấu trúc hệ thống sau thời kỳ dài Nhà nước và nhà tư bản quyện chặt vào nhau, đề cao sức mạnh các tập đoàn đa quốc gia, ưu ái tầng lớp giàu có, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn, bất bình đẵng xã hội và gánh nặng an sinh khi dân số bắt đầu già hóa, và động lực tăng trưởng chính từ các “cheabol”, “conglomerat” cạn kiệt.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lý giải rằng, lạm phát ở châu Âu và Mỹ rất cao nên việc thắt chặt tiền tệ là đúng đắn. Còn triển vọng phục hồi kinh tế Nhật chậm hơn, do đó chưa đến lúc nâng lãi suất. Hơn nữa, lạm phát tuy được xem là kỷ lục nhưng chỉ xoay quanh ngưỡng 3%, tức là chỉ bằng 1/3 so với châu Âu, Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Nhật Bản "mạnh tay" tăng chi tiêu quốc phòng?
04:00, 27/12/2022
Thúc đẩy hợp tác công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
05:00, 21/11/2022
Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản thông qua nguồn vốn ODA
16:36, 12/10/2022
Nhật Bản “nắn dòng” ODA sang Ấn Độ- Thái Bình Dương
02:30, 18/09/2022