Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Nam vẫn tăng trưởng “khỏe” với mức tăng 5,04%.
>>Quảng Nam bác đề xuất nâng số lượng nhà ở tại dự án Nam Hội An
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay mức tăng trưởng kinh tế của địa phương đang có dấu hiệu hồi phục. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.460 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng -5,5%).
Tỉnh Quảng Nam hiện xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tốc độ tăng trưởng. Quy mô nền kinh tế hơn 102.654 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP. Đồng thời, Quảng Nam đang xếp vị trí thứ 2 tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng và quy mô của nền kinh tế.
Tại cơ cấu cơ cấu kinh tế, khu vực nông nghiệp chiếm 14,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,7% (trong đó công nghiệp chiếm 28,4%), khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 32,8% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,4%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,6 triệu đồng, tăng 7,5% so với năm 2020.
Ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Nam cho biết tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm 2021 gần 30.342 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2020 và chiếm 29,7% GRDP. Trong đó, vốn đầu tư công năm 2021 hơn 5.015 tỷ đồng. Ông Văn thông tin tại khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi, sản xuất công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ (trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng 9,1%).
“Trong những tháng đầu năm 2021 sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu khởi sắc và dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, tuy nhiên về cuối năm do ảnh hưởng dịch bệnh nên giảm mạnh. Do đó, cả năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng gần 4,8% so với năm 2020. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% và chỉ số tồn kho tăng 0,93% so với năm 2020”, ông Nguyễn Tấn Văn nói.
Hiện tại, khu vực thương mại - dịch vụ Quảng Nam vẫn chưa hồi phục, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, so với năm 2019 mức tăng trưởng khu vực dịch vụ vẫn còn giảm 7,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 53,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020.
Ông Nguyễn Tấn Văn cho rằng năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam vẫn đạt được một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực như ưu tiên cao nhất công tác phòng, chống dịch COVID-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, thực hiện có hiệu quả chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức, kiểm soát được tình hình.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 5,1%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.
Các cấp, các ngành chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép, giao đất và những khó khăn, vướng mắc. Công tác lập và quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường tiếp tục được quan tâm chú trọng. Công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, công trình trọng điểm, động lực thường xuyên được kiểm tra, đôn đốc thực hiện để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công,...”, Phó Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Nam cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam vẫn còn hạn chế và thách thức như tăng trưởng kinh tế cả năm mặc dù đã có nhiều cố gắng, song vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra (6,5-7,0%). Sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm trong ngành du lịch, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm. Năng lực thích ứng, ứng phó và xử lý những tình huống cấp bách, đột xuất, bất ngờ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 có thời điểm còn lúng túng.
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đợt dịch thứ 4 ảnh hưởng đến Quảng Nam rất nặng nề, kết quả đạt được tại năm 2021 đã thể hiện rất rõ sự nỗ lực của địa phương cũng như nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Tân, mặc dù chỉ tiêu GRDP vẫn chưa đạt được như kế hoạch tuy nhiên tốc độ tăng trưởng dương là rất đáng phấn khởi.
“Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trọng điểm,... để tiếp tục đưa kinh tế đi lên. Đối với vấn đề phát triển khu vực du lịch thương mại, địa phương đã định hướng phát triển mô hình du lịch xanh, từ đó xác định khôi phục ngành, tạo thêm đà phát triển trong tương lai”, ông Trần Văn Tân cho biết.
Có thể bạn quan tâm