Kinh tế địa phương

Kinh tế TP HCM tăng trưởng cao nhất 5 năm

Đình Đại 03/04/2025 08:45

Trong quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn TP HCM (GRDP) tăng 7,51% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.

GRDP tăng 7,51% so với cùng kỳ

Trong quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn TP HCM (GRDP) tăng 7,51% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng khoảng 0,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,94%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 8,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng khoảng 4,53%.

tphcm.jpg
Chiều ngày 2/04, UBND TP HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội quý I/2025 - Ảnh: Cổng TTĐT TPHCM.

Kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố được mở rộng quy mô, tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu đáp ứng được nhu cầu thị trường, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định.

Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp Thành phố. Hầu hết doanh nghiệp các ngành công nghiệp trọng yếu đã có đơn hàng đến giữa năm 2025. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8%.

Tình hình thị trường trong kỳ ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng, giá cả các mặt hàng thiết yếu không tăng giá đột biến do nguồn cung các mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,2%.

Thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc, hiện nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến quý II năm 2025 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng đến cuối năm 2025. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 5,55%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 15%.

Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách. Tổng doanh thu du lịch tăng 26,7%; khách quốc tế ước đạt 1,63 triệu lượt, tăng 18,2%.

Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 19%; khối lượng vận chuyển hành khách của tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên ước đạt 5,3 triệu lượt hành khách, đạt 38% so với kế hoạch năm 2025 (14,2 triệu lượt hành khách).

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 151.098 tỷ đồng, đạt 29,05% dự toán năm, tăng 7,72% so với cùng kỳ; trong đó, thu từ khu vực kinh tế đạt 35,41% dự toán và tăng 7,15% so cùng kỳ.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có nhiều tín hiệu khả quan, đạt hơn 567 triệu USD, tăng 23,4%. Thành phố cấp phép cho 267 dự án FDI mới và chấp thuận 435 lượt góp vốn, mua cổ phần. Dù vậy, doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn: số doanh nghiệp thành lập mới giảm gần 40%, trong khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có xu hướng tăng, phản ánh áp lực về thị trường và vốn đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về đầu tư công, dù được chú trọng ngay từ đầu năm, tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, chỉ đạt 5,4% kế hoạch với hơn 4.556 tỷ đồng được giải ngân trong quý 1. Đây là điểm nghẽn lớn cần khắc phục để phát huy vai trò kích thích tăng trưởng từ đầu tư công.

Chú trọng kinh tế tư nhân

Về nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong quý II/2025, Thành phố đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, chú trọng kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn Thành phố năm 2025, với mục tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội phấn đấu trên 620.000 tỷ đồng.

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 theo Kế hoạch số 1451/KH-UBND; nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công đến cuối năm đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu. Tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa Thành phố và các tỉnh, thành phố, giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn với hệ thống phân phối.

Thành phố kiên quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn ít nhất 30% thời gian xửlý thủ tục cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút thêm dự án mới.

TP HCM quán triệt cán bộ, công chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về lề lối, tác phong làm việc; chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Đồng thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi những nhiễu, tham nhũng, gây phiền hà, tiêu cực để củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

chutich.jpg
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được phát biểu kết luận phiên họp kinh tế - xã hội quý I/2025 chiều ngày 02/4 - Ảnh: THANHUYTPHCM.VN.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhận định, nhiệm vụ đặt ra năm 2025 là hết sức nặng nề cho Thành phố, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và thuận lợi, thời cơ đan xen đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, đặc biệt là tác động đến TP HCM với thách thức nhiều hơn.

Trong nước, năm 2025 với nhiều sự kiện lịch sử chính trị trọng đại, trước mắt là kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Thành phố phải hoàn thành "mục tiêu kép” là tăng trưởng hai con số (trên 10%) và hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XII.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh một số nội dung cần chú trọng trong thời gian tới. Trong đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao nhất, tư duy năng động, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, thích ứng linh hoạt, biến cơ chế xin - cho thành phục vụ, phải chuyên sang tư duy phục vụ, nhân dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể phải phục vụ, xem doanh nghiệp là nguồn lực là động lực cho sự phát triển.

Về mục tiêu tăng trưởng 2 con số, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được đề nghị cần khoán chỉ tiêu, giao chỉ tiêu tăng trưởng theo từng quý, theo từng đơn vị. Trong đó, tập trung xử lý nhanh các thủ tục về xây dựng, đầu tư, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, mở ra các không gian phát triển mới. Về đầu tư công, các ban và quận, huyện hoàn thành dự án đầu tư, để triển khai giải ngân; đồng thời, phải theo dõi kiểm tra, đôn đốc, xử lý nhà thầu năng lực kém.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai, đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống, cụ thể hóa, thành lập trung tâm 1-4-1. Cạnh đó, đầy nhanh tiến độ mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn tại Khu Công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; tập trung giải quyết các dự án lớn, trọng điểm và các dự tồn đọng kéo dài.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, theo dự báo từ đầu năm, quý I/2025 cần tăng trưởng 8,38 - 8,54% và kéo dài liên tục thì cuối năm mới đạt 8,5%.

Nhìn vào các thách thức, TS Trương Minh Huy Vũ nhìn nhận, để tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn thì không có cách nào bằng việc kích tổng cầu. Dù vậy, giải ngân đầu tư công quý I/2025 chỉ đạt 5,4%, chưa đạt so với chỉ tiêu 7% đã đề ra.

Về đầu tư tư nhân, ông TS Vũ cho biết, phụ thuộc vào đầu tư công, môi trường kinh doanh, đất đai, phương thức đầu tư. Bên cạnh đó, tăng trưởng của TP HCM gắn liền chặt chẽ với tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ, nếu các tỉnh xung quanh chưa tốt thì thành phố sẽ bị ảnh hưởng.

Về dài hạn, TS Trương Minh Huy Vũ nhận định, cần tập trung phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra hàng trăm ngàn doanh nghiệp mới và ngày càng lớn mạnh lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế TP HCM tăng trưởng cao nhất 5 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO