TS. Nguyễn Hoàng Nam - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn có thể hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu của phát triển bền vững của LHQ.
Sáng nay (12/9) tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VBCSD-VCCI), Ngân hàng Thế giới và các Bộ, ngành liên quan tổ chức hội thảo chuyên đề về kinh tuần hoàn, đây là chương trình nằm trong Hội nghị toàn quốc về PTBV năm 2019.
Chia sẻ tại phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế tuần hoàn, TS. Nguyễn Hoàng Nam cho biết, việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng của thế giới, lợi ích kinh tế nó đem lại 4,5 nghìn tỷ USD tới năm 2030 nói riêng, kinh tế tuần hoàn có thể hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về PTBV của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2050 tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra biển sẽ nhiều hơn tổng khối lượng cá. Riêng tại Việt Nam các báo cáo của WB chỉ ra rằng ô nhiễm không khí đang khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP năm 2013 và ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại 3,5% GDP vào năm 2035.
TS.Nam nhấn mạnh, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ giúp các quốc gia giải quyết bài toàn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. “Kinh tế tuần hoàn giúp chúng ta không còn phải đánh đổi giữa kinh tế và môi trường. Theo UNICEP, kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ bao lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường“, TS. Nam cho biết.
Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng. Như vậy, việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, trong đó đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng các sản phẩm sẽ là biện pháp hữu hiệu để Việt Nam giảm rác thải ra môi trường.
Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách Tài Nguyên và Môi trường cũng cho biết, khung chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã có những quy định như: Chỉ thị 36/CT-TW năm 1998; Nghị quyết 41-NQ-TW năm 2004, Nghị quyết 24-NQ-TW năm 2013, Luật BVMT 2014, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR 2018…
Hiện Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện đem lại hiệu quả nhất định như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ... Với việc thúc đẩy quá trình tái chế rác thải của các ngành này sẽ trở thành nguồn nguyên liệu của những ngành khác, đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tới 6,5 triệu USD/năm. Chẳng hạn như mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến không thải rác ra thiên nhiên do VCCI khởi xướng, sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu tại Tiền Giang….
Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, cần thể chế hóa, luật hóa kinh tế tuần hoàn, hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động.
Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn trước đây chỉ là tận dụng vật liệu quá trình sản xuất này đưa sang quy trình sản xuất khác, tuy nhiên, bước tiếp theo cần phải thiết kế vật liệu ngay từ ban đầu để tối đa hóa quá trình tuần hoàn, đảm bảo tỉ lệ tuần hoàn của vật liệu cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
16:04, 11/09/2019
05:00, 10/09/2019
19:30, 05/09/2019
10:31, 12/09/2019
05:00, 12/09/2019
Nhìn nhận về lộ trình kinh tế tuần hoàn, TS. Nam cho rằng, có 2 phần chính. Thứ nhất, cần xác định vai trò của các bên liên quan, đặc biệt doanh nghiệp có vai trò trung tâm. Thứ hai, cần vai trò kiến tạo của nhà nước, kiến tạo bằng pháp luật, chính sách ưu đãi, hướng dẫn, ngoài ra có cả vai trò của các đoàn thể từng người dân trong nền kiinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, cần phải có một lộ trình xác định các mục tiêu, lộ trình cụ thể.
Ví dụ, Malaysia đặt ra lộ trình đến năm 2030 không còn rác thải nhựa, Canada cũng như vậy, hoặc có thể chia thêm các mục tiêu ngắn hạn hơn. "Chúng ta cần chung tay của doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu để có lộ trình hợp ký, khả thi nhất" - TS Nam cho biết.
Về thách thức trong quá trình thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, chia sẻ tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và đối ngoại của Unilever, ông Đỗ Thái Vương cho biết, thách thức lớn nhất là nhận thức của người dân và sự đồng bộ trong thu gom rác thải nhựa.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI, Tổng thư ký - Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết: Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một mô hình ưu việt, bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Đó là vai trò doanh nghiệp thể hiện trong việc chung tay cùng với các cơ quan chính phủ để phát triển bền vững.
"LHQ đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững – Chương trình Nghị sự 2030 với chủ đề không một ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng chúng ta quản lý như thế nào, xây dựng nguồn nhân lực ra sao để nguồn nhân lực đó đáp ứng với kỉ nguyên mới, kỉ nguyên mà Việt Nam bước vào thập kỉ mới bứt phá về mặt kinh tế" - Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch VBCSD cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh, VBSCD sẽ luôn kề vai sát cánh, là bệ đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị hành trang tốt, “vũ khí” tốt, công cụ quản trị tốt và đặc biệt là ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học, công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn thành công. "Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất vẫn là vai trò của Chính phủ trong việc tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để doanh nghiệp từ đó ấp ủ, nuôi dưỡng những sáng kiển về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp" - Tổng thư ký Nguyễn Quang Vinh cho biết.