Chủ trương thống nhất về cơ chế, chính sách để thúc đẩy KKT Cầu Treo không chỉ được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng mà còn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành.
Thế nhưng, để Đề án “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách” được triển khai đi vào thực tiễn, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.
Nhìn từ “một cửa một lần dừng” ở Quảng Trị
Ông Dương Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, Đề án “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách” thực ra không phải lần đầu tiên thực hiện tại KKT Cầu Treo.
“Trước đây nhiều năm, Chính phủ 2 nước đã đi đến thống nhất về cơ chế chung nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, khi đi vào hơn 3 năm thì hiện nay tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập khiến hoạt động giao thương cũng chưa có nhiều đột phá. Chính vì vậy, để áp dụng cơ chế chính sách chung tại KKT Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang phải đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ”, ông Thắng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 08/09/2018
14:30, 06/09/2018
10:03, 11/11/2015
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, chủ trương thống nhất chung về cơ chế hoạt động giữa 2 quốc gia được áp dụng tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hiện nay đang có dấu hiệu bị “vỡ trận” do khi thực hiện lại nảy sinh nhiều hệ lụy phát sinh. Đó là việc doanh nghiệp 2 nước chỉ phải đến 1 cửa chung để làm thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư…nhưng cơ chế của 2 nước Việt Nam – Lào lại có những quy định hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, nhiều khoản chi phí phát sinh gây khó khăn cho doanh nghiệp đang khiến chủ trương “một cửa một lần dừng” ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị tạo ra nhiều bất cập.
Một số doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa kiến nghị, để giúp họ khỏi mất thời gian “rượt đuổi” cơ chế, chính sách, các bộ, ngành 2 quốc gia có chung đường biên giới cần sớm tìm tiếng nói chung về cơ chế mang tính phát triển bền vững.
“Những năm trước, khi KKT Cầu Treo có cơ chế ưu đãi đặc thù, doanh nghiệp chúng tôi làm ăn đều có lãi. Cùng với đó, việc đầu tư để buôn bán nông sản từ Lào về Việt Nam qua KKT Cầu Treo được chúng tôi triển khai rất thuận lợi. Từ năm 2014, khi KKT Cầu Treo bị “cắt” ưu đãi, doanh nghiệp chúng tôi lại chuyển hướng đi theo đường Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về đường 9 vì ở đây có cơ chế hoạt động “một cửa một lần dừng”. Thế nhưng, khi cơ chế hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tiếp tục bộc lộ rõ thủ tục rườm rà, tốn nhiều chi phí, hoạt động giao thương của doanh nghiệp lại rơi vào thế khó” – Một chủ doanh nghiệp buôn bán nông sản từ Lào về Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Nghệ An cho biết.
Tập trung tìm cơ chế chung
So với cơ chế hoạt động theo mô hình “một cửa một lần dừng” được áp dụng tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo suốt hơn 3 năm qua thì Đề án “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách” ở KKT Cầu Treo sẽ có nhiều ưu việt hơn.
Cụ thể, về chủ trương chính sách chung sẽ được xây dựng trên cơ sở nhất quán về cơ chế, đơn giản về thủ tục. Điều này sẽ có lợi khi doanh nghiệp và người dân có hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh khi chỉ cần làm thủ tục tại một khu vực chung và sẽ được áp dụng theo một cơ chế chính sách.
Ông Phan Thăng Long – Phó Trưởng BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh thì cho biết: “Ý tưởng Đề án là mong muốn về phía nước bạn Lào cũng sẽ triển khai phối hợp cùng nhau thành lập một Khu hợp tác kinh tế biên giới. Vì vậy, Việt Nam cũng muốn phía Bolykhamxay cũng có một KKT tương xứng để cùng nhau thống nhất về chính sách nhằm thu hút đầu tư giữa 2 quốc gia. Bộ KH&ĐT Việt Nam cũng đã có văn bản trình Chính phủ để phê duyệt nội dung Đề án nói trên. Thủ tướng Chính phủ 2 quốc gia cũng đã có cuộc làm việc để đi đến thống nhất nội dung này. Tuy nhiên, về phía Lào họ cho biết hiện nay đang gặp khó khăn về nguồn lực nên chưa thể triển khai Đề án “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách”.
Còn về thời gian để “chốt” việc thống nhất để Đề án “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách” được triển khai thực hiện vào thực tiễn, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thể trả lời cụ thể được vì còn phải chờ kết quả trả lời từ phía nước bạn Lào.
Trước lộ trình như vậy, tỉnh Hà Tĩnh cũng kiến nghị các Bộ, ngành TW tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Đề án “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách” sớm đi đến thống nhất để triển khai thực hiện tại KKT Cầu Treo.