Lùi sau các ngân hàng TMCP vốn Nhà nước, nhóm NHTMCP tư nhân có một số thay đổi vị thứ về kết quả lợi nhuận trong top đầu.
>> KQKD ngân hàng quý 2/2023: Nhóm Big 3 "gánh" tăng trưởng lợi nhuận
Sau Vietcombank, BIDV và VietinBank, theo thứ tự bảng xếp hạng lợi nhuận, MBB đang vươn lên, thay thế cho những cái tên quen thuộc trước đây là Techcombank và VPBank. Trong khi đó, Techcombank nhường "ngôi á quân" sau nhiều năm bám sát Vietcombank, cho BIDV. VPBank tiếp tục trượt khỏi top 3 sau đỉnh cao ghi nhận thương vụ bán vốn cho SMBC...
Bên cạnh đó, điểm chung của các ngân hàng đã có báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quý II và 6 tháng đầu năm 2023, là đi cùng phân hóa, nợ xấu cũng tăng lên.
MBBank (MBB): Lợi nhuận 6 tháng 2023 vào top 3, tăng trưởng tín dụng tích cực.
Tại cuối quý 2/2023, MBB ghi nhận tổng tài sản hơn 806 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm), lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ MBB tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ đạt 11.950 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 7,1% đạt 12.735 tỷ đồng.
Tiền gửi của khách hàng hợp nhất đạt 475.406 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ CASA của MBB đạt 37,06%, trong nhóm 1, cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.
Tăng trưởng tín dụng của MBB 10,6% so với đầu năm, trong đó dư nợ quý 2 tăng trưởng tốt hơn so với quý 1 (tăng trưởng 6,8% so với quý 1 tăng 3,7%).
MBBank có nợ tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ so với cuối năm 2022, tỉ lệ nợ xấu hợp nhất ghi nhận mức 1,33% (bao gồm trái phiếu tổ chức kinh tế), trong đó riêng ngân hàng là 1,12% và thấp hơn so với mức 1,76% cuối quý 1. Ngân hàng cũng cho biết kết quả này có được nhờ ngân hàng đã có sự chuẩn bị trước, trích lập đầy đủ một số khoản nợ tái cơ cấu thời kỳ COVID-19 có vấn đề, để chuẩn bị cho những tình huống xấu.
Techcombank (TCB): Lợi nhuận giảm do tăng trích lập dự phòng.
Thu nhập lãi thuần quý II của Techcombank đạt hơn 6.456 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Ngân hàng ghi lãi trước thuế trong quý đạt hơn 5.649 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, do đã dùng hơn 807 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng tới 93% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng giảm 19% so với cùng kỳ, còn 12.822 tỷ đồng, do tăng chi trả lãi tiền gửi (gấp 2,8 lần) và lãi tiền vay (gấp 4,2 lần).
Techcombank tiếp tục đạt mức tăng trưởng tín dụng và tiền gửi cao, lần lượt đạt 8,5% và 6,6% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,1%. Tại 30/6/2023, Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tiếp tục duy trì ở mức thấp trong ngành 1,07%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh ở mức 115,8%. Techcombank cho biết nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do (1) tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của Ngân hàng; (2) kinh tế tăng trưởng chậm lại và khó khăn của ngành bất động sản; (3)tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác. Nếu loại bỏ tác động của CIC, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát tốt ở mức 0,9%.
>>"Dấu ấn" trái phiếu và thị trường bất động sản tác động lên lợi nhuận ngân hàng
ACB: Chất lượng tài sản suy giảm.
Trong top 6 ngân hàng có lợi nhuận từ trên 4.000 tỷ đồng tính riêng trong quý 2/2023, ACB đứng sau lần lượt Vietcombank, BIDV, VietinBank, MBB và Techcombank.
Theo đó, thu nhập lãi thuần trong quý đạt 6.245,67 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ nhờ cho vay tăng trưởng 9,72% và NIM đạt 4,18%.
Tổng thu nhập hoạt động cũng tăng 15,89% so với cùng kỳ; CIR quý 2/2023 giảm xuống 30,97% so với mức 32,88% quý 2/2022. Trong khi đó, chi phí dự phòng tăng 364,02% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế quý 2 của ACB đạt hơn 4.832 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm 1,96% so với cùng kỳ, đạt 3.865,85 tỷ đồng. Lũy kế lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 9.989 tỷ đồng, sau thuế đạt 8.000,88 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chất lượng tài sản của ngân hàng đã suy giảm so với quý 2/2022, với tỷ lệ nợ xấu đạt 1,06%, tăng so với 0,97% cuối quý 1/2023. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm xuống 107,61% so với 116,61% cuối quý 1/2023.
VPBank: Lợi nhuận hợp nhất giảm, ảnh hưởng bởi Fe Credit.
Theo báo cáo của VPBank, kết thúc quý 2, tín dụng hợp nhất của ngân hàng tăng hơn 10% so với đầu năm 2023. Riêng ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13%, cao gấp gần 3 lần so với mức 4,7% của toàn ngành, nhờ đóng góp từ hai khối chiến lược với tỷ trọng chiếm hơn 60% trong tổng dư nợ của ngân hàng mẹ.
Kết thúc quý 2, huy động từ tiền gửi khách hàng hợp nhất tăng 28% so với cuối năm 2022, đạt gần 388 nghìn tỷ đồng (rất cao so với tăng trưởng huy động 3,3% của toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm); đi cùng là CASA của ngân hàng trong quý 2 ghi nhận mức tăng 23% so với quý trước đó.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank đạt 7.897 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do công ty con FE Credit bị lỗ nên lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng chỉ đạt 5.162 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nợ xấu của VPBank tăng. Tại 30/6/2023, nợ xấu nhóm 4 và nhóm 3 của ngân hàng mẹ VPBank tăng lần lượt gấp 2 và gấp 3 lần, riêng nợ xấu nhóm 5 giảm nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ ở mức 3,87%, tăng so với mức 2,8% cuối năm 2022. Nợ xấu FE Credit hiện đang cao trong ngành.
VIB: Lợi nhuận trước thuế tăng 12%.
6 tháng 2023, thu nhập lãi của VIB tăng gần 21% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.700 tỷ đồng; Thu nhập ngoài lãi đạt gần 1.590 tỷ đồng, đóng góp 15% vào doanh thu. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động gần 10.300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt gần 1.590 tỷ đồng, đóng góp 15% vào doanh thu. NIM giữ tỷ lệ cao 4,7% nhờ tối ưu hóa nguồn vốn và các tài sản sinh lời tốt.
Tại cuối 30/6/2023, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt mức cao nhất mới với gần 2.950 tỷ đồng.
Tổng tín dụng tính đến hết quý 2 đạt gần 235.000 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Tính riêng trong quý 2, hoạt động kinh doanh đã có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt với tăng trưởng tín dụng đạt 2,4%, theo VIB là tạo tiền đề tích cực cho đà tăng trưởng trở lại trong 6 tháng cuối năm.
Tỷ lệ nợ xấu của VIB giảm từ 2,62% cuối quý 1/2023 về còn 2,45% tại thời điểm cuối quý 2/2023.
HDBank: Nối mạch tăng trưởng 10 năm liên tiếp.
Kết thúc quý 2/2023, HDBank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất 6 tháng 2023 đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ và nối mạch tăng trưởng 10 năm liên tiếp. Tổng tài sản của HDBank tính đến cuối tháng 6/2023 đạt 483.936 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; tổng huy động vốn đạt 430.123 tỷ đồng, tăng 17,4% so với đầu năm, trong đó huy động từ khách hàng đạt 309.645 tỷ đồng, tăng 44%; tổng dư nợ đạt 293.129 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm.
Tại cuối 20/6, phân tích chất lượng theo dư nợ của HDBank cho thấy các nhóm đều tăng nhẹ. Trong đó, nợ cần chú ý (nhóm 2) tăng gần gấp 2 lần so với cùng năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HDBank tiếp tục giữ tỷ lệ nợ xấu thấp; Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,01%, duy trì vị thế ở nhóm đầu trên thị trường. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 12,3%.
Sacombank: Vẫn tiếp tục tích cực trích lập dự phòng.
Tính đến ngày 30/06/2023, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Tổng tài sản đạt hơn 622 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5% so đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 7,5%. Tổng huy động đạt hơn 549 nghìn tỷ đồng, tăng gần 6%; trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 10%; dư nợ tín dụng đạt hơn 460 nghìn tỷ, tăng gần 5%.
Với tổng thu nhập thuần đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước; Chi phí hoạt động được kiểm soát dưới tiến độ theo kế hoạch; Lợi nhuận trước trích lập chi phí theo Đề án tái cơ cấu đạt gần 6.300 tỷ đồng, tạo điều kiện trích lập ròng hơn 1.500 tỷ đồng dự phòng VAMC. Sacombank vẫn đang hoàn tất chặng cuối của Đề án tái cơ cấu với việc đẩy mạnh công tác thu hồi, xử lý nợ xấu tiếp tục, số thu gần 2.700 tỷ nợ gốc và lãi tồn đọng, nâng tổng mức thu hồi xử lý lũy kế từ khi triển khai Đề án lên gần 90 ngàn tỷ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 2%.
Ngoài ra, ở một số ngân hàng khác, các tín hiệu tích cực trong lợi nhuận mặc dù không đi ngược phân hóa, đã lộ sáng theo các báo cáo tài chính.
Chẳng hạn với OCB, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, lũy kế lợi nhuận trước thuế đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu thuần đạt 4.453 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023. tổng tài sản của OCB đạt 211.292 tỷ đồng, tăng trưởng 8,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng đạt 127.573 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát mức hợp lý.
Báo cáo của BVBank cho thấy tổng tài sản của BVBank tăng mạnh trở lại trong quý 2/2023, vượt qua mốc 80.000 tỷ, đạt 81.800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt gần 53.900 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tốt trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức. Tổng số dư huy động tại 30/06/2023 của BVBank đạt hơn 74.100 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cuối năm 2022. CASA duy trì ổn định so với đầu năm, chỉ giảm nhẹ 0,95 điểm %. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức thấp 16,2%, duy trì cơ cấu tài sản an toàn. Ngân hàng ghi nhận tại quý 2/2023, lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 13 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu đạt 39 tỷ đồng.
Hay như NCB, lũy kế 6 tháng đầu 2023 ghi nhận tổng thu nhập hoạt động thuần hợp nhất đạt gần 610 tỷ đồng. Riêng quý II/2023, tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh hợp nhất của NCB đạt hơn 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 36% so với cuối quý I/2023. Hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục là điểm sáng của NCB trong nửa năm qua, đạt hơn 115 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2022. Các tỷ lệ an toàn hoạt động của NCB cũng tiếp tục duy trì và đảm bảo giới hạn theo quy định của NHNN...
VietBank báo cáo lợi nhuận trước thuế 06 tháng đầu năm 2023 đạt 369 tỷ đồng, tương đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản đạt 115.699 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm, đạt 102% kế hoạch. Cấu trúc danh mục tài sản được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ dưới mức 3%...
Nhìn chung, việc phân hóa lợi nhuận và có sự thay đổi vị thứ trong nhóm ngân hàng top đầu (gồm các ngân hàng Big 3), được xem là tất yếu khi: 1) Nhóm Big 3 tiếp tục giữ vững tăng trưởng tín dụng cao so với các ngân hàng còn lại trong hệ thống; 2) Bên cạnh đó một số nhà băng trong nhóm đầu tư nhân giảm mạnh tăng trưởng tín dụng (dù room tín dụng được cấp cao). 3) Ngoài ra, việc trích lập dự phòng được đẩy mạnh tùy theo từng ngân hàng cũng dẫn đến phân hóa kết quả kinh doanh...
Trong khi đó, theo CTCK Mirae Asset (MAS), căn cứ trên kết quả quý 1, tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) của hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh. Tốc độ gia tăng nợ xấu được kỳ vọng suy giảm trong các quý còn lại của năm 2023 bởi tỷ lệ nợ xấu mở rộng cho thấy nợ xấu chưa đạt đỉnh. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô nói chung sẽ phục hồi dần nhưng chưa thực sự khả quan.
Tuy nhiên, với các biện pháp điều hành linh hoạt từ phía NHNN trong việc cắt giảm lãi suất cũng như những điều chỉnh tạm thời đối với quy định ghi nhận nợ xấu sẽ phần nào giảm áp lực phát sinh nợ xấu mới.
Kết quả quý II và tại cuối 30/6/2023 lại cho thấy nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ chưa thể giảm hay thậm chí ngược lại, chưa thể "đạt đỉnh".
“Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hay đầu 2024”, Bộ phận phân tích MAS nhận định và cũng nhấn mạnh rằng diễn biến của chất lượng tài sản sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập của các ngân hàng nói chung trong năm 2023.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, CTCK Maybank Investment Bank (MSVN), dự báo mặc dù NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 14%, song MSVN cho rằng các NH sẽ chỉ tăng trưởng đạt 12%. Đây là một chỉ báo quan trọng đối với triển vọng lợi nhuận ngân hàng khi thu nhập lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng.
Theo dự báo của Giám đốc Phân tích MSVN, với kỳ vọng rằng lãi suất cho vay sẽ giảm đáng kể từ cuối quý 3 năm 2023, đưa nền kinh tế phục hồi hình chữ U, tổng tín dụng cao nhất là 12%n/n trong năm 2023 do các động lực cho vay chính chậm lại, như cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản, thế chấp, sản xuất và tiêu dùng cá nhân, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng (nhóm niêm yết) sẽ tăng trưởng ở mức khoảng 13%.
Có thể bạn quan tâm
Điều kiện với đối tác chuyển nhượng mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng
03:00, 30/07/2023
Ngân hàng tăng tốc tái cơ cấu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
12:00, 29/07/2023
Giải mã hệ sinh thái Ngân hàng số sáng tạo nhất Việt Nam 2023
15:42, 27/07/2023
Ngân hàng Nhà nước nói gì về Thông tư 06/2023?
13:20, 18/07/2023