Ngày 30/4/1975 mãi mãi là thời khắc đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam hiện đại, trong tâm trí mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Nhân kỷ niệm 43 năm, ngày thống nhất đất nước, tôi có dịp ra Huế thăm thầy giáo cũ GVC.ThS Hoàng Ngọc Vĩnh - Cựu chiến binh Sư đoàn 384 – Binh đoàn Trường sơn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khoa Lý luận chính trị – Trường Đại học Khoa học Huế.
Thầy trò chúng tôi đã tâm sự nhiều về những kỷ niệm của thầy với sinh viên trong sự nghiệp trồng người của thầy. Đặc biệt là ký ức đẹp về ngày 30/4/1975 của thầy.
Theo thầy Hoàng Ngọc Vĩnh, có lẽ bất cứ ai đã trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể lại những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, chắc chắn không thể quên được những cảm xúc về 30/4/1975. Đó là ngày mà cả dân tộc ngập tràn trong niềm hạnh phúc tột bậc vì đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Những năm 1965-1973, Quảng Bình và Vĩnh Linh là tuyến lửa tuyến đầu của miền Bắc, là hậu phương trực tiếp của miền Nam, nên là chảo lửa của cuộc chiến tranh hủy diệt miền Bắc do đế quốc Mỹ gây nên. Để tập trung đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Đảng Lao động, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã sơ tán tất cả học sinh, trẻ em, người già, người mất sức lao động của Vĩnh Linh ra Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà và Thái Bình. Gia đình thầy thuộc diện phải sơ tán. Với thầy, nếu không có Đảng, Chính phủ và Bác Hồ thì gia đình và bản thân thầy không được như hôm nay.
Năm 1972, thầy đã xung phong nhập ngũ nhưng không thành, bởi vì Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị tạm ngưng tuyển quân là học sinh K8. Tháng 8/1973, Đảng, Chính phủ đã cho xe đưa tất cả học sinh Vĩnh Linh sơ tán ở các tỉnh phía Bắc trở về lại Vĩnh Linh.
“Em biết không, thời gian tháng 4/1975, chỉ cần một tin Đài tiếng nói Việt Nam thông báo quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn, thì hầu như người dân nào cũng bỏ dở cả việc đang làm, chộn rộn đợi đến ngày miền Nam được giải phóng, nước nhà được thống nhất. Lòng dân cả nước nói chung, lòng dân Vĩnh Linh khi đó khao khát thống nhất đất nước lắm.
Và ngày 30/4/1975 mãi mãi là thời khắc đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam hiện đại, trong tâm trí mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau. Trong ngày hôm đó, sau khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam thông báo miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, người dân tuyến lửa Quảng Trị cũng hòa mình vào không khí hạnh phúc, sôi động mừng ngày đất nước hoàn toàn thống nhất”. - Thầy Vĩnh chia sẻ.
Đã trải qua và chứng kiến những năm tháng chiến tranh hào hùng của dân tộc, nên khi chiến tranh biên giới nổ ra năm 1978, một lần nữa thầy cắt tay lấy máu viết đơn xin nhập ngũ. Lần này cũng không thành, vì Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn chỉ thị tạm ngừng tuyển quân trong sinh viên.
Mãi đến năm 1982, sau khi đã tốt nghiệp Đại học, làm cán bộ Nhà nước thì sự tình nguyện nhập ngũ của thầy mới toại nguyện. Thầy được điều về Sư đoàn 384 – Binh đoàn Trường sơn, khi đó Sư đoàn đóng quân, làm nhiệm vụ ở bên nước bạn Lào.
Sau khi xuất ngũ, trở về công tác tại Đại học Sư phạm Huế, Thực tiễn này, thầy rất thấm thía: Nghệ thuật chiến tranh của Việt Nam lấy nhân dân làm gốc, xây dựng trận địa trong lòng dân. Sức mạnh tổng hợp quân sự - chính trị - ngoại giao, thì sức mạnh quân sự là đòn quyết định, sức mạnh sức mạnh chính trị - ngoại giao là chủ yếu.
Sức mạnh tổng hợp quân đội chính quy - dân quân du kích - binh vận, thì sức mạnh quân đội chính quy - dân quân du kích là đòn quyết định, binh vận là sức mạnh chủ yếu. Thế trận chiến tranh nhân dân dù soi chiếu ở góc độ nào thì tính mạng của nhân dân, hạnh phúc của nhân phải trên hết, trước hết. Trận địa đã trong trái tim nhân dân rồi thì làm sao địch thắng nổi ta.
“Nếu như cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam, là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, thắng lợi triệt để nhất, cho đến nay chưa một lần lặp lại trong lịch sử thế giới; Thì, chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, không chỉ giữ vững độc lập non trẻ của Việt Nam, mà còn đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân kiểu mới do đế quốc Pháp đứng đầu trên toàn thế giới.
Còn, đại thắng mùa Xuân năm 1975, là chiến thắng đẹp nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại, là chiến thắng của trí tuệ và sáng tạo của toàn dân tộc, đó em ạ!” - Thầy Vĩnh nhấn mạnh.