Từ ngày 2-4/6 sắp tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức “Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại TP HCM năm 2023”, qua đó giới thiệu các mặt hàng khởi nghiệp, OCOP địa phương đến với thị trường này.
>>Tăng cường sự hiện diện cho sản phẩm OCOP Quảng Nam
Thông tin từ Sở Công thương Quảng Nam, chương trình này được tổ chức kết hợp giữa “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP HCM năm 2023”. Ngoài sự kiện giao lưu văn hóa và tạo sự gắn kết trong cộng đồng bà con đồng hương Quảng Nam tại TP HCM và các tỉnh phía Nam thì đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, các sản phẩm OCOP, khởi nghiệp, ẩm thực,...
Đặc biệt, thông qua sự kiện cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại với du lịch và đầu tư, nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát, nghiên cứu thiết lập các điểm tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam. Qua đó, triển khai hiệu quả kế hoạch, phương án tiêu thụ, xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Được biết, sự kiện sẽ có hơn 400 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là lần thứ ba các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, các dự án - sản phẩm khởi nghiệp, OCOP tiêu biểu trong tỉnh được trưng bày, quảng bá, giới thiệu trong một sự kiện lớn do tỉnh tổ chức tại TP HCM.
Theo kỳ vọng của các chủ thể khởi nghiệp, sản phẩm OCOP tham gia Ngày hội, các đơn vị mong muốn được nâng tầm thương mại sản phẩm mạnh mẽ, qua đó tiếp cận cơ hội tiêu thụ sản phẩm trên nước và xuất khẩu. Bởi lẽ, các đơn vị nhận định TP HCM được xem là thị trường năng động, là cửa ngõ giao thương nên sẽ là cơ hội cho phát triển sản phẩm Quảng Nam.
Anh Đinh Công Đức, Chủ cơ sở Mắm Nhĩ Cửa Đại (sản phẩm OCOP 4 sao) cho hay đã chuẩn bị gần 500 lít mắm nhĩ truyền thống, nguyên chất để “chào hàng” đồng hương và các đối tác. Theo anh Đức, thông qua sự kiện sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các đơn vị trong việc kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh để từng bước mở rộng thị trường.
“Việc liên kết, hợp tác mới là rất quan trọng đối với các chủ thể tham gia sự kiện. Bởi lẽ, để một sản phẩm khởi nghiệp thành công thì cần thêm nhiều sự đầu tư mới, hơn nữa cần có trải nghiệm mới tại các thị trường lớn để gia tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm”, anh Đinh Công Đức chia sẻ.
Tương tự, chị Phạm Thị Nhân, chủ thể sản phẩm trứng gà ác Hảo Nhân (OCOP 3 sao) đã chuẩn bị gần 3000 sản phẩm để phục vụ bà con xa xứ. Tại chương trình lần này, chị Nhân cho hay sẽ tận dụng cơ hội để quảng bá sản phẩm sạch, dinh dưỡng đến với người tiêu dùng tại đây để mở rộng kết nối.
“Nếu được, Trứng gà ác Hảo Nhân muốn tìm kiếm sự liên kết, đầu tư để tiếp tục phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng để phục vụ khách hàng. Cùng với đó là hợp tác mở rộng cơ sở sản xuất hướng đến sản xuất bền vững, thậm chí là xuất khẩu đi thị trường quốc tế”, chị Nhân chia sẻ.
Qua tìm hiểu, tỉnh Quảng Nam hiện có 333 sản phẩm OCOP của 260 chủ thể của các tổ chức kinh tế khác nhau khi thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (2018 - 2022). Theo đó, có 126 hộ kinh doanh, 90 hợp tác xã, 44 doanh nghiệp và tổ hợp tác đã được trao chứng nhận.
Riêng trong 2 năm (2021- 2022), chương trình đã thu hút 125 chủ thể của các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia. Các sản phẩm tham gia chương trình không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó, các sản phẩm đặc trưng dần khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và mở rộng kết nối.
Có thể bạn quan tâm