Với định hướng rõ ràng, giải pháp cụ thể và sự đồng lòng từ các cấp, ngành Du lịch Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để bứt phá trong nửa cuối năm và vươn xa trên bản đồ du lịch thế giới.
Chiều ngày 9/7/2025, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch trong 6 tháng cuối năm.
Đây không chỉ là cuộc họp tổng kết thông thường mà còn mang tính chất động viên, phát động phong trào thi đua toàn ngành, nhất là khi sự kiện diễn ra đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025).
Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã ghi nhận những con số ấn tượng: đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước; phục vụ 77,5 triệu lượt khách nội địa và đạt tổng thu khoảng 480 nghìn tỷ đồng.
Kết quả này cho thấy sức bật mạnh mẽ của ngành sau đại dịch, đồng thời khẳng định hiệu quả từ các chính sách thị thực mới, sự hỗ trợ liên ngành và nỗ lực của toàn hệ thống trong công tác xúc tiến, truyền thông và phát triển sản phẩm du lịch.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, sau khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vừa đi vào hoạt động, cũng như sắp xếp lại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34 tỉnh, thành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến phát triển du lịch và khẳng định du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, ghi nhận những nỗ lực của các địa phương, đồng thời nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là làm sao để không đứt gãy trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Ông cho rằng để đạt được mục tiêu 22-23 triệu lượt khách quốc tế và 120-130 triệu lượt khách nội địa trong năm nay, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện luật pháp, tạo hành lang thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc các địa phương cần hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để du lịch Việt Nam bứt phá trên đường đua thu hút du khách.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường, ngành du lịch Việt Nam cần nâng cao năng lực thích ứng và sức chống chịu, thông qua việc xác lập lại tư duy phát triển, cơ chế vận hành và cấu trúc sản phẩm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, chúng ta cần vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam, như lời Thủ tướng đã nói. Nhưng "vẽ lại" không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu đã có, mà là để tạo ra những sản phẩm đậm đà bản sắc văn hoá, có tính liên kết và nổi bật, đủ sức hấp dẫn trong bối cảnh cạnh tranh mới.
Về phương hướng trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết ngành du lịch sẽ tập trung vào công tác tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng "kiến tạo phát triển"; nghiên cứu, tham mưu ban hành "chính sách, cơ chế đột phá" về thị thực, xuất nhập cảnh, chính sách thuế, mở rộng kết nối hàng không; tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu, xây dựng sản phẩm đặc sắc mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách; thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch, tăng cường liên kết du lịch với các ngành liên quan; cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển du lịch; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách; tiếp tục đổi mới cả về nội dung, phương thức quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế. định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và mục tiêu tích cực, hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần sớm khắc phục như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm còn trùng lặp và công tác thống kê chưa chính xác, chưa phản ánh đầy đủ thực tế phát triển du lịch.
Một số ý kiến đại biểu địa phương cũng đề nghị tăng cường hỗ trợ từ trung ương trong việc đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thị trường và phân bổ ngân sách hợp lý. Việc triển khai đồng bộ hộ chiếu điện tử, cải tiến hệ thống quản lý điểm đến và minh bạch hóa hoạt động du lịch cũng được các lãnh đạo địa phương nhấn mạnh là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong bối cảnh nhu cầu du lịch quốc tế đang tăng nhanh, nhất là từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ và các nước châu Âu, việc chuẩn bị kỹ lưỡng từ chính sách đến sản phẩm sẽ quyết định khả năng Việt Nam giữ được vị thế và gia tăng thị phần.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong phần kết luận đã khẳng định quyết tâm đưa ngành Du lịch vượt qua thách thức, tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ông kêu gọi các đơn vị từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội và cả cộng đồng du lịch cùng nhau hành động cụ thể, thiết thực và sáng tạo để biến khát vọng phục hồi mạnh mẽ thành hiện thực phát triển bền vững.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 không chỉ là dịp đánh giá kết quả và xác định phương hướng, mà thực sự là một cuộc phát động chiến lược hành động đồng bộ, hiệu quả và có tầm nhìn. Tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt và đoàn kết được lan tỏa mạnh mẽ từ các phát biểu của lãnh đạo, khơi dậy niềm tin và khí thế mới trong toàn ngành.
Với định hướng rõ ràng, giải pháp cụ thể và sự đồng lòng từ các cấp, ngành Du lịch Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để bứt phá trong nửa cuối năm và vươn xa trên bản đồ du lịch thế giới.