Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư gần 300 tỷ đồng nâng cấp ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế thay vì chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.
>>>Hải Dương: Tận dụng liên kết vùng để phát triển ngành công nghiệp chủ lực
Với đề xuất này, Hải Dương kỳ vọng sẽ có một bước chuyển mới trong vận chuyển hàng hóa đi quốc tế.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Hải Dương có 3 tuyến đường sắt đi qua gồm tuyến Gia Lâm - Hải Phòng dài 45,3 km có 3 ga Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái phục vụ đón/trả khách; 4 ga Cao Xá, Tiền Trung, Lai Khê, Phạm Xá phục vụ vận tải hàng hoá và tránh/vượt tàu. Có 8 chuyến tàu chở khách mỗi ngày, còn các chuyến chở hàng hoá không cố định. Tuyến Kép - Hạ Long dài 13 km, trên tuyến có 1 ga Cổ Thành. Tuyến Chí Linh - Phả Lại dài 15,5 km là tuyến đường sắt chuyên dùng, chủ yếu phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.
Trong khi đó, ga Cao Xá ở vị trí khá đắc địa khi nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ga này hiện có ba đường sắt, một bãi hàng làm nhiệm vụ nhường tránh tàu và xếp dỡ hàng hóa. Không những thế, ga Cao Xá cũng nằm khá gần các khu công nghiệp Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, Ken mark.
Khoảng cách từ ga về trung tâm TP Hải Dương khoảng 5km. Ga Cao Xá kết nối với đường 194B có mặt đường rộng 9m, là đường huyện kết nối giữa các khu công nghiệp với cảng đường sông Tiên Kiều; khoảng cách từ ga ra cảng Tiên Kiều là 2km. Không những thế, ga Cao Xá còn có tiềm năng lớn để thực hiện vận tải liên vận quốc tế đi Trung Quốc và các nước khác qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng. Bằng con đường này, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương có thể dễ dàng xuất khẩu đi Trung Quốc và các nước Châu Âu, Trung Á. Mặc dù vị trí đắc địa là vậy nhưng hiện nay lượng hàng thông qua ga Ca Xá rất thấp.
Cụ thể, năm 2022 sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 5.056 tấn, 5 tháng đầu năm 2023 là 2.608 tấn. Do đó, VNR đã đề xuất Bộ GTVT xem xét đầu tư nâng cấp cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế đường sắt.
Theo đề xuất của VNR thì sẽ thực hiện cải tạo đường số 3 thành đường đón gửi và lưu chứa xe có chiều dài khoảng 600m; xây dựng mới một đường xếp dỡ dài khoảng 250m; xây dựng mới một nhà văn phòng, dịch vụ hải quan, kho hàng bãi hàng... Tổng vốn đầu tư để thực hiện những hạng mục này vào khoảng 61 tỷ đồng. Tiếp đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoàn thiện tổ hợp khu ga Cao Xá giai đoạn tiếp theo với tổng mức đầu tư dự 234 tỉ đồng.
Về phía tỉnh Hải Dương, VNR đề nghị địa phương này ưu tiên quỹ đất để nâng cấp, mở rộng ga Cao Xá đạt chuẩn ga liên vận quốc tế, mở điểm kiểm tra, giám sát, thông quan hàng hóa tại ga và nghiên cứu đưa ga Cao Xá vào quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics của địa phương.
Kỳ vọng vào bước “chuyển mình” mới
Trước đó, tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương với lãnh đạo VNR, đơn vị này đã trình bày giải pháp vận tải hành khách và liên vận quốc tế đường sắt tại Hải Dương.
Theo đó, VNR đề xuất sẽ mở hoạt động liên vận quốc tế tại ga Cao Xá (Cẩm Giàng). Mục tiêu sẽ xây dựng, cải tạo ga Cao Xá theo phân khu chức năng riêng, xây bãi chứa container trên 10.000 m2 có tường bao quanh, có khu vực làm hàng xuất nhập khẩu, giám sát hải quan. Cùng với đó là các dịch vụ kho bãi, xếp dỡ, dịch vụ hải quan…
Theo lãnh đạo VNR: Hải Dương là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu rất nhộn nhịp. Toàn tỉnh có gần 20 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp. Nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cao đối với các nguồn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.
Cùng với đó, nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nhà máy trên địa bàn tỉnh sang thị trường Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… cũng rất lớn.
>>>Hải Dương: Nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư công
Thống kê cho thấy, năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt trên địa bàn tỉnh Hải Dương là hơn 7.600 tấn. Tuy nhiên, hiện hàng hóa tại tỉnh Hải Dương chưa xuất – nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt. Các ga trên địa bàn tỉnh chưa có các bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container.
Nếu tổ chức được hoạt động liên vận quốc tế, hàng hóa tại Hải Dương có thể xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… bằng đường sắt thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển để làm thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển, mà thực hiện các thủ tục khai báo xuất nhập khẩu hàng hóa ngay tại tỉnh. Đồng thời, thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang thị trường Nga, EU rút ngắn, chỉ bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.
Theo đại diện Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương cho rằng việc mở hoạt động liên vận quốc tế tại ga Cao Xá sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp từ 2-3%. Công ty cũng từng vận chuyển hàng nông sản bằng đường sắt đi các tỉnh miền Nam. So với chi phí vận chuyển bằng các hình thức khác thì vận chuyển bằng đường sắt là rẻ nhất. “Việc mở hoạt động liên vận quốc tế tại ga Cao Xá sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong vận chuyển hàng hóa và xuất nhập khẩu nông sản đi Trung Quốc
Theo đại diện VNR cho biết: Qua khảo sát, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xây dựng phương án đưa ga Cao Xá vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Hải Dương. Cùng với đó, nhà ga thuận lợi về kết nối và có diện tích mặt bằng để đầu tư hạ tầng kĩ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động liên vận quốc tế.
Cụ thể, ga Cao Xá có vị trí tại km 50+870 tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (thuộc địa bàn xã Cao An, huyện Cẩm Giàng), kết nối với đường 194B có mặt đường rộng 9m. Đường 194 là đường huyện kết nối giữa các khu công nghiệp với Cảng đường sông Tiên Kiều, khoảng cách từ ga ra Cảng Tiên Kiều khoảng 2km. Con đường này cũng kết nối từ ngã tư Đại An – Quốc lộ 5 đến cảng Tiên Kiều.
Mặt khác, ga Cao Xá gần với các khu công nghiệp như: Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, An Phát Complex… Khoảng cách từ ga về trung tâm thành phố Hải Dương chỉ 5 km.
Theo thông tin của VNR: Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động liên vận quốc tế, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ trình Bộ Giao thông vận tải cho phép khai thác hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Cao Xá để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Hải Dương. Hiện đường sắt đang đề nghị tỉnh Hải Dương ưu tiên quỹ đất để nâng cấp, mở rộng ga Cao Xá đạt chuẩn ga liên vận quốc tế, mở điểm kiểm tra, giám sát, thông quan hàng hóa tại ga và nghiên cứu đưa ga Cao Xá vào quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics của địa phương.
Theo đó, VNR đã đề xuất 2 tuyến vận chuyển khi ga Cao Xá được phép khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Tuyến 1: Ga liên vận quốc tế Cao Xá (Hải Dương) – ga liên vận quốc tế Yên Viên – ga liên vận quốc tế Kép (Bắc Giang) – ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn) – ga Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Từ đây đi sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU…
Tuyến 2: Ga liên vận quốc tế Cao Xá (Hải Dương) – Ga liên vận quốc tế Lào Cai – ga Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc – Vân Nam), từ đây chuyển đổi phương tiện đi sâu nội địa Trung Quốc. Trong đó, Đoàn tàu gồm 20 – 25 container, có thể sử dụng container thường và container lạnh tự phát điện. Thời gian chạy tàu từ ga liên vận quốc tế Cao Xá đến ga biên giới Bằng Tường (Quảng Tây) là 1 ngày; đến ga Sơn Yêu (Vân Nam) là 1,5 ngày.
Có thể bạn quan tâm