Kỳ vọng từ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 27/07/2023 13:10

Sau 25 năm hình thành, hành lang kinh tế Đông Tây trên lãnh thổ Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân đã được chỉ ra và tháo gỡ.

>>Phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp trên trục cao tốc phía Đông

 Quốc lộ 9 hư hỏng trầm trọng. Ảnh: Nguyên Lý

Quốc lộ 9 hư hỏng trầm trọng. Ảnh: Nguyên Lý

Đến nay, quốc lộ 9 vẫn là con đường độc đạo nối cửa khẩu quốc tế Lao Bảo với quốc lộ 1A và vùng kinh tế phía Đông, một cấu phần không thể thiếu trong chiến lược liên kết vùng kinh tế Trung Bộ với Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Kết nối vận tải quốc tế liên hoàn từ Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào với Trung Quốc, Nam Thái Bình Dương, châu Mỹ và ngược lại.

Hạ tầng thiếu và yếu

Sau hơn 20 năm hình thành, nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, tuyến đường 9 ngày càng bộc lộ nhược điểm không thể khắc phục. Nhiều đô thị nhỏ mọc ra hai bên con đường, hình thành hàng loạt khu dân cư, mật độ giao thông tăng đột biến xảy ra nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại lớn về người và của.

Đoạn qua thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) mặt đường lưu thông chỉ rộng 14m, hai làn xe, bất kể thời gian nào trong ngày đều dễ dàng nhìn thấy từng đoàn xe siêu trường siêu trọng chở hàng về cửa khẩu Lao Bảo; cộng hưởng với phương tiện cá nhân, tình trạng lấn chiếm lề đường.

Hơn một nửa chiều dài quốc lộ 9 đi qua vùng núi hiểm trở, nhiều khúc cua “cùi chỏ”, một bên là vực thẳm nhìn xuống sông Đakrông; nhiều đoạn đường bong tróc, hư hỏng có tính hệ thống nên không thể vá víu, sửa chữa.

Ít ai tin rằng, con đường này mỗi năm gánh trên mình khối lượng hàng hóa trên 12 tỷ USD - chỉ tính riêng hoạt động vận tải “mượn đường” đi từ Úc, Trung Quốc, Mỹ, Canada đến Thái Lan, Lào và Campuchia và ngược lại. Không khó để bắt gặp cảnh phương tiện chở hàng ùn ứ dài nhiều cây số gần cửa khẩu Lao Bảo.

>>Gỡ khó dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 9 tăng đột biến trong khi mặt đường nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp khiến tuyến đường này chịu áp lực rất lớn, quá tải. Đáng nói, đoạn qua thị trấn Krông Klang xung đột với giao thông nội thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”.

Nhìn dưới góc độ kinh tế, sự hữu hạn của quốc lộ 9 kéo lùi tốc độ phát triển kinh tế địa phương; là rào cản cho chiến lược hình thành các trung tâm logictics mang tầm vóc khu vực và quốc tế; gây ra hệ lụy tiêu cực, tham nhũng tại nút thắt cửa khẩu.

 Đoàn xe siêu trọng ùn ứ gần cửa khẩu Lao Bảo. Ảnh: Khắc Trà

Đoàn xe siêu trọng ùn ứ gần cửa khẩu Lao Bảo. Ảnh: Khắc Trà

Cần tuyến đường đặc dụng

Đã đến lúc Quảng Trị cần có đột phá về hạ tầng nối Đông - Tây, giảm tải quốc lộ 9, đặc biệt sau khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào hoạt động; cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đã chuẩn bị xong mặt bằng thi công. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã chấp thuận Tập đoàn Sơn Hải nghiên cứu tiền khả thi đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 70km, quy mô 4 làn xe, tổng trị giá 7.938 tỷ đồng theo phương thức PPP.

Tuyến cao tốc chạy song song với quốc lộ 9, qua các vùng đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở thuộc các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa - giúp mở ra nhiều không gian kinh tế - xã hội mới; đánh thức tiềm năng du lịch, khai khoáng, lâm nghiệp,... vốn đã bị “ngủ quên” nhiều thập kỷ vì thiếu hạ tầng.

Thông tin với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có ý nghĩa rất lớn với địa phương ở khía cạnh giúp giảm tải đoạn quốc lộ 9 chạy qua trung tâm huyện, tháo gỡ nút giao thông tiềm tàng nhiều hiểm họa, ô nhiễm môi trường”.

Hơn nữa, khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang hình thành tổ hợp công nghiệp có tầm cỡ, đặt ra yêu cầu bức bách về khả năng kết nối để cung cấp nguyên, nhiên liệu đầu vào; phân phối hàng hóa đến thị trường tiêu thụ tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Võ Thái Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Nếu hình thành tuyến cao tốc nối cửa khẩu Lao Bảo với vùng Đông Nam sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nói riêng và kinh tế vùng Trung Bộ nói chung. Tăng cường hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông Tây, kích thích nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển”.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng: “Vì đầu tư theo phương thức BOT nên nhà đầu tư nên tính toán mức phí hợp lý; địa phương cũng cần có cam kết rõ ràng, rành mạch để tránh phát sinh hệ lụy về sau”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đến năm 2025, Đông Nam Bộ sẽ có trên 400km đường cao tốc đưa vào khai thác

    Đến năm 2025, Đông Nam Bộ sẽ có trên 400km đường cao tốc đưa vào khai thác

    13:12, 18/07/2023

  • Khơi thông dòng chảy kết nối công nghiệp trục cao tốc phía đông

    Khơi thông dòng chảy kết nối công nghiệp trục cao tốc phía đông

    11:26, 18/07/2023

  • Phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp trên trục cao tốc phía Đông

    Phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp trên trục cao tốc phía Đông

    11:15, 16/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng từ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO