Nền kinh tế số Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với những bước tiến đáng kể trong thương mại điện tử và các lĩnh vực liên quan.
Trụ cột thương mại điện tử
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD trong năm 2024, tăng 20% so với năm 2023 và vượt qua các ước tính trước đó. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế số trong nền kinh tế quốc gia.
Trong đó, thương mại điện tử hiện chiếm 60% nền kinh tế số Việt Nam, trở thành kênh phân phối quan trọng, đặc biệt đối với các sản phẩm nông nghiệp trong mùa thu hoạch. Các doanh nghiệp đã tận dụng nền tảng này để đạt được bước đột phá trong kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử không chỉ là xu hướng mà đã trở thành kênh bán hàng thiết yếu, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và giảm chi phí vận hành.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công thương, Việt Nam hiện đứng thứ ba ở Đông Nam Á về quy mô thị trường thương mại điện tử, sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD), vượt qua ước tính trước đó là 22 tỷ USD của Google, Temasek và Bain & Company. Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam và khả năng thích ứng nhanh chóng của doanh nghiệp trong nước.
Ngoài thương mại điện tử, các lĩnh vực khác như du lịch trực tuyến, dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến cũng đóng góp quan trọng vào nền kinh tế số. Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty CP Công nghệ Sapo, chia sẻ: “Sự đa dạng hóa này giúp kinh tế số Việt Nam phát triển toàn diện, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.
Thách thức và kỳ vọng
Tuy nhiên, nền kinh tế số Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức. Bộ Công Thương cho biết, các mô hình thương mại điện tử ngày càng phức tạp và đa dạng, trong khi khuôn khổ pháp lý để quản lý còn thiếu. Hoạt động bán hàng trực tiếp qua livestream hiện chịu sự quản lý của các quy định chung về thương mại điện tử, nhưng chưa có quy định cụ thể dành cho hình thức này.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhấn mạnh, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh mới, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của hàng giả và hàng kém chất lượng trên các nền tảng trực tuyến cũng là một vấn đề lớn. Việc quản lý các hoạt động xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn do quy định chưa đầy đủ, tạo điều kiện cho các nền tảng như Temu, Shein vào Việt Nam mà không hoàn tất thủ tục pháp lý.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho rằng, việc thiếu giám sát này tạo điều kiện cho hàng hóa từ các nước khác vào Việt Nam, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.
Theo Văn kiện Đại hội XIII, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, cần thúc đẩy phát triển các nền tảng số, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về lợi ích của kinh tế số.
Nhìn chung, nền kinh tế số Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội. Việc tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn và định hướng phát triển bền vững sẽ quyết định thành công của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế số hiện đại và hiệu quả trong tương lai.