Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao thứ hạng PCI, tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Vận dụng “lợi thế mềm”
Lai Châu là tỉnh miền núi phía Bắc được thiên nhiên ban tặng giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch… Không những thế, tỉnh Lai Châu được quan tâm đầu tư về hạ tầng khá đồng bộ để khai thác tiềm năng sẵn có, phát triển kinh tế.
Bên cạnh những lợi thế trên, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp để cải cách thủ tục hành chính - “lợi thế mềm” trong cải thiện môi trường đầu tư.
Được biết, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp để xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành 07 kế hoạch, quyết định chỉ đạo điều hành; ban hành 194 văn bản bản đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành và xây dựng chính quyền điện tử.
Hiện, hệ thống hội nghị trực tuyến có 17 điểm cầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và 99 điểm cầu cấp xã. Cùng với đó công tác an toàn an ninh thông tin được quan tâm kể cả đầu tư thiết bị cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức của các cán bộ các cấp, các ngành.
Điển hình nhất, tỉnh Lai Châu đã thành lập và đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động (tháng 9/2019), nhằm tập trung thực hiện cải cách, đơn giản hóa, công khai các thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, thời gian qua tỉnh đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để cải thiện môi trường đầu tư, góp phần cải thiện chỉ số PCI. Tới đây, tỉnh Lai Châu tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, thành phố; Trong đó, tỉnh tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các Sở, ban, ngành, địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính; nâng cao tính minh bạch của nền hành chính công nhằm tạo chuyển biến tích cực và sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền.
Coi trọng việc đối thoại với doanh nghiệp
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnhTrần Tiến Dũng, hiện nay, tỉnh Lai Châu đang ưu tiên kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào hai lĩnh vực chính là: Nông nghiệp và dịch vụ - du lịch. Để các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm hoạt động tại Lai Châu, ngay từ khi chia tách và thành lập, tỉnh đã có chủ trương ban hành và áp dụng hệ thống chính sách, cơ chế thông thoáng để kêu gọi và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp đến hợp tác và thực hiện dự án.
Có thể bạn quan tâm
08:49, 16/01/2020
01:57, 13/01/2020
04:57, 15/12/2019
Đặc biệt, tỉnh coi trọng việc đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường đối thoại, gặp mặt đại biểu của tỉnh với doanh nghiệp theo nhóm, ngành, lĩnh vực, từ đó tạo ra cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Có chính sách quan tâm tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp.
Ông Vũ Quang Toán, Giám đốc Công ty TNHH số 10 Lai Châu cho biết, thời gian qua lãnh đạo tỉnh, đặc biệt Chủ tịch UBND tỉnh đã rất coi trọng việc đối thoại, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, có phương hướng “gỡ khó” cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh duy trì Chương trình café Doanh nhân hàng tháng để trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ cùng doanh nghiệp.
“Về thủ tục hành chính, tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo nên đã cải thiện và giảm bớt phiền hà rất nhiều. Tuy nhiên, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư thì các cấp, ngành cần tiếp cắt giảm và thúc đẩy tiến độ giải quyết nhanh hơn. Vướng sở nào sở đấy giải quyết chứ không vòng vo và chung chung theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh”, ông Toán cho hay.
Được biết, tại buổi gặp mặt cafe Doanh nhân vào tháng 2 vừa qua, các doanh nghiệp đã ý kiến về các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và phát triển nông nghiệp, trong đó liên quan đến Bổ sung thêm giá cước vận tải đầu tư; nâng cấp hạ tầng khu vực cửa khẩu để đáp ứng yêu cầu xuất, nhập khẩu; tại Khu Kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng nên lập Ban Kiểm dịch với sự tham gia của tỉnh ta và tỉnh bạn sẽ thuận tiện cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa; tạo thêm các sản phẩm du lịch theo mùa để thu hút du khách; đưa công nghệ tự động hóa vào chăm sóc rừng để biến tài nguyên rừng thành sản phẩm du lịch; khuyến khích sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh để góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp cùng phát triển...
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu đánh giá cao sự thẳng thắn chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và chỉ đạo các ngành nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn theo đúng quy định pháp luật cho phép.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, các vấn đề doanh nghiệp băn khoăn, vướng mắc có thể chia sẻ cho nhau để cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu nên tổ chức các cuộc giao lưu học tập trong và ngoài nước để tìm hiểu, học hỏi, đưa doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển.
Cùng với sự nỗ lực của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần phát huy tính tự lực, tự cường, không ngừng học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới kinh doanh, sản xuất để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.