DDCI Lai Châu sẽ hối thúc các cơ sở hành động, sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ công, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.
Vấn đề cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư luôn là những vấn đề trăn trở của cả hệ thống chính trị tỉnh Lai Châu, bởi nhiều năm qua, tỉnh đã rất nỗ lực, quyết tâm và quyết liệt nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Để tìm ra những trở ngại, những điểm nghẽn liên quan trực tiếp đến năng lực điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh, tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định 613/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Lai Châu năm 2020.
DDCI Lai Châu với mục tiêu tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các sở, ngành và địa phương trong cải cách hành chính, cải thiện mức độ hài lòng của nhà đầu tư và doanh nghiệp; tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền. Bên cạnh đó, góp phần làm sáng tỏ các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh thông qua tiếng nói của người dân, doanh nghiệp.
Được biết, Bộ chỉ số DDCI Lai Châu năm 2020 đối với cấp sở, ban, ngành tỉnh sẽ thực hiện đánh giá 23 đơn vị, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng; Công an tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế; Chi cục Hải quan; Sở Giao thông Vận Tải; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Y Tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Điện lực Lai Châu; Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng và Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.
Trong đó, sẽ triển khai đánh giá với 08 chỉ số thành phần: (1) Thiết chế pháp lý và hiệu quả thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch; (2) Chi phí thời gian và chất lượng dịch vụ công; (3) Minh bạch thông tin; (4) Cạnh tranh bình đẳng; (5) Tính năng động của sở, ban, ngành; (6) Vai trò và trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo; (7) Chi phí không chính thức; (8) Hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với cấp huyện, thành phố sẽ đánh giá với 10 chỉ số thành phần: (1) Chi phí gia nhập thị trường; (2) Khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; (3) Chất lượng dịch vụ công trong cấp phép và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra; (4) Tính năng động của lãnh đạo huyện; (5) Hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; (6) Minh bạch thông tin và đối xử công bằng; (7) Hiệu quả cải cách TTHC, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả của bộ phận một cửa; (8) Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; (9) Chi phí không chính thức; (10) Hiệu quả của công tác an ninh trật tự đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ đánh giá DDCI hỗ trợ, cung cấp thông tin; tiếp nhận đánh giá kết quả, xếp hạng các cơ quan, đơn vị và dữ liệu có liên quan từ Đơn vị tư vấn và tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức công bố công khai theo quy định.
Trong quá trình triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu việc điều chỉnh, bổ sung và cập nhật Bộ chỉ số DDCI của tỉnh và xây dựng tiêu chí đánh giá của từng chỉ số thành phần đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tế của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Đối với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh (Tổ phó Tổ đánh giá DDCI) sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh,… nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện đánh giá, khảo sát DDCI.
Bằng việc xây dựng chính quyền phục vụ, luôn cầu thị, lắng nghe, tỉnh Lai Châu sẽ tạo ra một kênh thông tin minh bạch và tin cậy để lãnh đạo tỉnh nắm bắt sự hài lòng cũng như hạn chế của hệ thống hành chính, tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu kỳ vọng, DDCI Lai Châu sẽ hối thúc các cơ sở hành động, sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ công, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đây sẽ là cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh xác định các điểm nghẽn trong công tác chỉ đạo điều hành để tập trung giải quyết các “nút thắt” về thể chế, tổ chức cũng như công tác cán bộ kịp thời và hiệu quả, góp phần tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy chất lượng điều hành kinh tế trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
04:05, 27/05/2020
04:00, 25/05/2020
12:51, 19/05/2020
08:23, 14/05/2020