Sáng 12/11, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu giới thiệu tiềm năng, chính sách ưu đãi đầu tư đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu
Với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”, Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu thu hút sự quan tâm, tham gia của các Bộ, ngành Trung ương cũng như các tỉnh bạn; Hiệp hội sâm Lai Châu và các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đây là cơ hội để địa phương quảng bá cây sâm Lai Châu, đồng thời giới thiệu tiềm năng, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân để sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển cây sâm Lai Châu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Sâm Lai Châu là đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap) và Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang).
Hiện nay, cây sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Điều kiện này phù hợp với phần lớn các xã vùng biên giới và vùng cao của tỉnh Lai Châu, giàu tiềm năng để mở rộng sản xuất trên quy mô lớn. Cây sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh như: Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; cơ chế, chính sách khuyến khích Doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn và hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, cây sâm Lai Châu được phát hiện vào năm 2013. Trải qua 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, tỉnh đã tổ chức liên kết được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, bảo tồn, hình thành được vùng sâm tại các huyện. Tuy nhiên, thực tiễn việc nhân giống, bảo tồn, phát triển cây sâm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nguồn lực nội tại của tỉnh chưa đủ mạnh để huy động đầu tư, mở rộng vùng trồng để đưa sản phẩm sâm Lai Châu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu bày tỏ, với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của Nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự đồng hành, hợp tác của các Nhà đầu tư, cây sâm Lai Châu sẽ trở thành ngành hàng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, là một trong những hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu lần này, tỉnh Lai Châu mong muốn đưa hình ảnh sâm Lai Châu vươn ra Việt Nam và quốc tế. Tỉnh Lai Châu sẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành để các doanh nghiệp phát triển sâm Lai Châu, dược liệu thành công tại Lai Châu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải nhấn mạnh.
>>>Huyện Tam Đường (Lai Châu): Gia tăng giá trị trong nông nghiệp nhờ liên kết với doanh nghiệp
>>>Khai mạc Techfest Việt Nam 2022 tại Lai Châu
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển sâm Lai Châu, các đại biểu tập trung thảo luận đưa ra giải pháp, định hướng phát triển sâm Lai Châu trong thời gian tới như: Định hướng phát triển sâm Lai Châu phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng phát triển bền vững của thế giới; trách nhiệm và lợi ích của các bên liên quan - Viện Lâm nghiệp và phát triển bền vững; kỹ thuật canh tác bền vững sâm Lai Châu, các giải pháp canh tác không gây ảnh hưởng đến chất lượng rừng và đa dạng sinh học; quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm sâm Lai Châu cùng với Tập đoàn Đại Nam Sơn và định hướng toàn cầu hóa sản phẩm; nhìn nhận về tiềm năng phát triển sâm Lai Châu, định hướng, giải pháp phát triển của doanh nghiệp...
Theo ông Đoàn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp), Lai Châu cần điều tra, đánh giá phân tích nguồn gen các loài sâm phân bố trong rừng tự nhiên về vùng phân bố, diện tích, trữ lượng và đề xuất vùng trồng thích hợp; Xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị và vườn sưu tập; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen; lựa chọn giống sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh hại…
Giám đốc Công ty BRIDIA tại Hồ Chí Minh ông Kim Suk Bum nhận định, sâm Lai Châu của Việt Nam là loại sâm chứa các thành phần rất tốt. Không giống như nhân sâm Hàn Quốc, sâm Lai Châu có chứa các ginsenoside loại ocotillol như majornoside R1 (MR1), R2 (MR2) và vina-ginsenoside R2 (VR2)… chiếm hơn 50% tổng hàm lượng. Vì vậy, trong các tài liệu nghiên cứu có thông tin cho rằng sâm Việt Nam có chứa nhiều ginseroide tốt cho khả năng miễn dịch và chống oxy hóa hơn cả nhân sâm Hàn Quốc.
Theo ông Kim Suk Bum, để bán được sản phẩm chế biến từ nguyên liệu sâm Lai Châu - Việt Nam, điều quan trọng nhất là tạo được sự tin tưởng và tín nhiệm của khách hàng bằng cách nghiên cứu ra những sản phẩm tốt, an toàn được nhiều người biết đến và tin dùng. Để có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam cũng như vươn ra toàn thế giới, giúp ích nhiều cho các công ty sâm Lai Châu cạnh tranh và tạo ra thực phẩm tốt hơn, an toàn hơn thông qua nghiên cứu và phát triển sản phẩm thì cần nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ từ quốc gia Hàn Quốc.
Được biết, tỉnh Lai Châu đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để phát triển cây sâm Lai Châu. Trong đó, tỉnh tiếp tục rà soát nghiên cứu vận dụng các quy định cơ chế chính sách phù hợp; khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với người nông dân; khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tạo giống, sản xuất giống và trồng, chăm sóc sâm Lai Châu; chủ động phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý, phát triển dược liệu; Có các chính sách thu hút đầu tư nuôi trồng, phát triển dược liệu; tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nguyên liệu…
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, lắng nghe, hợp tác với các nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, phát triển cây sâm Lai Châu nói riêng. Tỉnh sẽ thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi, giảm tối đa thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập doanh nghiệp; cung cấp đủ lao động có chất lượng phù hợp với các hoạt động đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án vào địa bàn.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Lai Châu đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác phát triển sâm Lai Châu với Hiệp hội sâm Lai Châu và Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh; ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng Đại Nam Sơn về việc liên kết, bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu. Ngoiaf ra, UBND các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Mường Tè cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển sâm Lai Châu với các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn.
Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích sâm Lai Châu ngoài tự nhiên được quản lý, bảo tồn; đầu tư, xây dựng và phát triển 7 cơ sở sản xuất giống sâm Lai Châu; đưa diện tích vùng trồng sâm toàn tỉnh lên 3.000 ha trở lên; khuyến khích đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu được áp dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm Lai Châu được cấp mã số theo quy định. Giai đoạn 2031 - 2045 tỉnh Lai Châu phấn đấu phát triển thêm 7.000 ha vùng trồng sâm Lai Châu, đưa vùng trồng sâm Lai Châu lên 10.000 ha.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh... xứng danh "quốc bảo"
01:13, 12/11/2022
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng Lai Châu ngày càng giàu đẹp
22:02, 11/11/2022
11-13/11: Hội chợ sâm Lai Châu: “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”
23:14, 01/11/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ý kiến của Phó Thủ tướng về đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu
22:01, 18/10/2022
Lai Châu luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
15:27, 07/10/2022