Lai Châu: Tạo lợi thế cạnh tranh cho cây sâm nhằm hướng tới xuất khẩu

NGUYỄN HÀ 01/03/2023 02:29

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó có cây sâm Lai Châu.

>>>Lai Châu đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo đột phá phát triển

Khẳng định thương hiệu sâm Lai Châu

Tại tỉnh Lai Châu, cây sâm từ lâu đã được đồng bào các dân tộc phát hiện và sử dụng để nâng cao sức khỏe, nay trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị rất cao, được nhân dân trong nước và quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn.

Tỉnh xác định, sâm Lai Châu là loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới, là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu, có giá trị lớn về dược liệu và kinh tế. Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã kịp thời chỉ đạo nghiên cứu, bảo tồn nguồn gene quý sâm Lai Châu, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và đầu tư, phát triển cây sâm, tạo cơ hội cho các hộ trồng sâm được trao đổi, chia sẻ về kỹ thuật, nguồn giống... Qua đó, giúp đồng bào thiểu số, biên giới của tỉnh trồng được sâm, các loại cây dược liệu thoát nghèo và tiến tới vươn lên làm giàu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ông Hà Trọng Hải, với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển sâm Lai Châu thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Lai Châu sẽ tập trung phát triển vùng trồng sâm khoảng 3.000 ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu.

“Trong thời gian tới, cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, dợp tác xã và doanh nghiệp để phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất; tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ về giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm sâm; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ cây sâm Lai Châu, nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước”, Phó Chủ tịch Hà Trọng Hải thông tin.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chỉ dẫn; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu đến người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm sâm, tạo lợi thế cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải phát biểu tại Diễn đàn Mùa Xuân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải phát biểu tại Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển sâm Lai Châu

Được biết, tỉnh Lai Châu đang bảo tồn 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng trên 21.000 cây mô hình; cây sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng; xây dựng và ban hành hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản sâm Lai Châu; 01 cơ sở được cấp mã số cơ sở nuôi trồng loài cây sâm Lai Châu và 2 cơ sở hiện đang trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp mã số theo quy định; xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sâm Lai Châu cho sản phẩm sâm Lai Châu củ tươi được trồng tại tỉnh và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sâm Lai Châu; ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sâm Lai Châu để thống nhất quản lý, sử dụng nhãn hiệu; Thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu; Tổ chức thành công Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 góp phần giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây Sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh…

Đẩy mạnh liên kết phát triển

Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, liên kết thực hiện nhân giống, bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu tại các vùng có phân bố tự nhiên của cây sâm Lai Châu. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó có cây sâm Lai Châu.

>>>Huyện Tam Đường (Lai Châu): Phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao

>>>OCOP Lai Châu hướng tới thị trường xuất khẩu

Phát huy lợi thế có diện tích, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để gây trồng sâm Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã triển khai rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000 ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sâm Lai Châu, trong đó có 17.000 ha rất thích hợp để phát triển.

Để giúp người dân, doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp bảo tồn, phát triển, định hướng chế biến các sản phẩm sâm Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức “Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển sâm Lai Châu” vào chiều 28/02. Tại đây, các phát biểu tham luận đã cung cấp những thông tin quan trọng về kinh nghiệm trồng, phát triển cây sâm, các mô hình phát triển sâm, các giải pháp quản lý, bảo tồn nguồn giống sâm tự nhiên, định hướng phát triển vùng trồng, định hướng công nghệ chế biến, các vấn đề pháp lý về cây sâm...

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng trao Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng trao Bằng khen cho các cá nhân xuất sắc

Tại Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển sâm Lai Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khẳng định, Lai Châu có rất nhiều loại dược liệu quý, khoảng 870 loài, trong đó sâm Lai Châu là cây đặc hữu, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có diện tích trồng, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và dành nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trồng sâm. Việc phát triển sâm Lai Châu có sự đồng hành của Nhà nước, nhà khoa học...

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu mong muốn các hộ gia đình và doanh nghiệp trồng sâm Lai Châu cần đồng lòng thể hiện niềm tin, khát vọng góp phần thay đổi cuộc sống, xoá đói giảm nghèo, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong trồng và phát triển cây sâm Lai Châu, lan toả vùng trồng. Hiệp hội và các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với người dân; trao đổi thường xuyên, chia sẻ cách làm. Các doanh nghiệp sớm chế biến sản phẩm, chế biến sâu, tiến tới mục tiêu ngành công nghiệp sâm Lai Châu; hướng tới sản xuất các sản phẩm cao sâm, nước sâm, các sản phẩm làm đẹp từ sâm.

“Phải sớm xây dựng và thí điểm ứng dụng công nghệ cao trong trồng sâm, trồng trong nhà màng, nhà lưới; phải tạo ra được một thị trường giống cũng như thị trường sâm, xây dựng được thương hiệu. Mỗi vùng có ít nhất 5 - 7 mã vùng trồng; quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; ban hành sớm kê khai giá; xây dựng các quy trình tiến tới xuất khẩu; tổ chức Lễ hội Sâm Lai Châu gắn với bản sắc văn hoá của đồng bào, gắn với “sự tích” vốn có về Sâm Lai Châu, xây dựng ngày tổ về trồng Sâm; phát triển Sâm gắn với du lịch...”, Chủ tịch Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Mở chi nhánh mới hiện đại, HDBank tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế Lai Châu

    Mở chi nhánh mới hiện đại, HDBank tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế Lai Châu

    17:54, 12/02/2023

  • VinFast khai trương showroom 3S đầu tiên tại Lai Châu

    VinFast khai trương showroom 3S đầu tiên tại Lai Châu

    13:29, 28/01/2023

  • Lai Châu: Triển khai hiệu quả kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

    Lai Châu: Triển khai hiệu quả kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

    21:15, 29/12/2022

  • Lai Châu: Phát huy nguồn lực mềm trong năm 2023

    Lai Châu: Phát huy nguồn lực mềm trong năm 2023

    19:53, 29/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lai Châu: Tạo lợi thế cạnh tranh cho cây sâm nhằm hướng tới xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO